Khám bệnh cho trẻ mắc cúm mùa ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: CTV
Ca mắc tăng cao
Chỉ trong thời gian ngắn, tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận hơn 730 học sinh bị sốt cao do mắc cúm, trong đó có một trường hợp 8 tuổi tử vong. Theo ông Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, số trẻ bị sốt cao do cúm bắt đầu rải rác từ đầu tháng 10 và cao điểm từ ngày 20-10 tới nay, trong đó 667 em phải nghỉ học.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm của những trẻ sốt cao phải nhập viện điều trị chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với cúm B. “Mặc dù là bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng vẫn có những biến chứng nặng nếu không được phát hiện, giám sát, tư vấn kịp thời”, ông Tạc Văn Nam khuyến cáo. Ông Tạc Văn Nam cho biết, hiện nay ổ dịch cúm ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã cơ bản được khống chế, khoanh vùng, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan. Trong số những trẻ bị sốt, chỉ còn hơn 60 bệnh nhi đang điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Không chỉ Bắc Kạn, mà tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội cũng ghi nhận số người mắc cúm tới khám và nhập viện tăng rất cao. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, hiện mỗi ngày tiếp nhận từ 70-80 bệnh nhi có biểu hiện mắc cúm với các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu. Trong khi đó, tại Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn, số trường hợp mắc cúm tới khám, điều trị cũng trên 100 ca/ngày.
Đáng lo ngại hơn khi mới đây tại xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một bé gái 5 tuổi mắc cúm có nguồn gốc từ gia cầm. Đây là ca mắc cúm gia cầm trên người đầu tiên xuất hiện trở lại tại Việt Nam sau 8 năm, và cũng là bệnh cúm có nguy cơ diễn biến nặng rất cao với tỷ lệ tử vong từ 50%-60%.
Theo Bộ Y tế, hàng năm, nước ta có khoảng 800.000 người mắc cúm. Đây là một trong các bệnh hô hấp có thể bùng phát thành dịch. Phần lớn các trường hợp nhiễm cúm không phải chủng độc lực cao, nhưng thực tế qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, số người mắc cúm nhập viện có xu hướng gia tăng thời gian gần đây, nhất là tại một số bệnh viện tuyến cuối, với các biến chứng như viêm phổi, viêm não, tổn thương thần kinh trung ương phải thở máy, điều trị trong các phòng hồi sức tích cực.
Không chỉ có trẻ em mà nhiều người lớn cũng bị cúm phải nhập viện điều trị. Ảnh: CTV
Khó phân biệt, dễ lây lan
Theo các chuyên gia y tế, nhóm virus cúm mùa được phân loại các chủng A, B, C; trong đó các chủng cúm A và B có khả năng lây lan nhanh, gây thành dịch lớn. Đáng lưu ý, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác do có các biểu hiện tương tự, như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho... Ngoài ra, hiện đang giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, vì vậy số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là người già và trẻ em rất dễ mắc cúm B.
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Trẻ chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt chứa virus cúm rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt cũng có thể lây bệnh. Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm mùa từ 1-4 ngày, kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể có thời gian ủ bệnh lâu hơn.
Ngoài các triệu chứng điển hình như sốt, sổ mũi, trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần. “Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, nhưng virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng khác hiếm gặp hơn như viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan”, bác sĩ Tạ Anh Tuấn chia sẻ.
Để phòng ngừa cúm mùa, mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, cần được tiêm vaccine phòng cúm mùa (cúm A và B) hàng năm; giữ khoảng cách tối thiểu 1m với những người có các triệu chứng cúm. Khi trẻ nhỏ có triệu chứng cúm thì gia đình nên để trẻ ở nhà, không đi học; thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Trong khi đó, để ngăn ngừa lây nhiễm cúm gia cầm sang người thì cần tuyệt đối không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia cầm bệnh, chết.
Ngày 31-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, TPHCM chưa ghi nhận dấu hiệu gia tăng hay bất thường bệnh cúm. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cúm, người dân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Tuyệt đối không tự ý tìm mua những bộ xét nghiệm về cúm cũng như tự ý sử dụng thuốc Tamiflu để điều trị bệnh. Việc tự ý sử dụng Tamiflu sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế. Bên cạnh đó, người dân không tự xét nghiệm vì có thể kết quả sai dẫn đến xử trí bệnh sai. Tại cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định có nên xét nghiệm hay không. Việc xét nghiệm tràn lan không đúng chỉ định vừa gây lãng phí vừa có thể có kết quả không chính xác. |