Nhiều diện tích đất tại Nông trường Cao su Bình Lộc thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã có quyết định thu hồi giao lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý. Nhưng 10 năm trôi qua, đơn vị chủ quản vẫn chây ì trong việc bàn giao dẫn đến tình trạng đất đai bỏ hoang rất lãng phí và xảy ra nhiều tiêu cực.
Chưa bàn giao sau 10 năm thu hồi
Nông trường Cao su Bình Lộc được thành lập từ những năm 80 của thế kỷ trước, là một trong những nông trường cao su rộng lớn nhất (hơn 2.000ha) trong số 13 nông trường cao su thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
Với tư cách là một đơn vị kinh tế lớn nhất tại địa phương hình thành từ thời bao cấp, do đó ngoài việc trồng và khai thác cao su, Nông trường Cao su Bình Lộc còn đứng ra quản lý nhiều công trình như trường học, nhà thờ, bưu điện, sân vận động… phục vụ cán bộ, công nhân làm việc tại đây.
![]() |
Khu đất hơn 1.000m2 được lãnh đạo nông trường cao su Bình Lộc |
Ngày 1-7-2002, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 2182/QĐ-CT.UBT thu hồi 84ha Nông trường Cao su Bình Lộc tại xã Xuân Thiện, huyện Long Khánh (nay là huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Trong đó, giao quyền sử dụng khoảng 33ha cho Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai để thực hiện bán nhà theo Nghị định 61 và giao 51ha còn lại cho UBND huyện Long Khánh quản lý theo quy định chung (gồm trường học, bưu điện, trụ sở UBND xã, sân vận động, nhà trẻ, nhà tình nghĩa, nhà thờ, đất ở, đường giao thông hiện hữu và diện tích quy hoạch mở rộng đường) để lập thủ tục và xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất theo quy định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài diện tích đất bàn giao để địa phương lập thủ tục bán nhà theo Nghị định 61, sau 10 năm kể từ Quyết định 2182 có hiệu lực, những lô đất trống, không sử dụng vào mục đích trồng cao su thuộc diện bị thu hồi vẫn còn dưới sự quản lý của nông trường. Đa số sử dụng không hiệu quả và để xảy ra nhiều tranh chấp.
Ông Trịnh Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện, cho biết: “Ngày 5-6-2012, UBND xã Xuân Thiện đã có Công văn 164-CV-UBND gửi Giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Giám đốc Nông trường Cao su Bình Lộc yêu cầu bàn giao đất cho xã quản lý theo Quyết định 2182, nhưng đến nay nông trường chỉ bàn giao 47.526m2.
Số diện tích chưa bàn giao là 41.776m2, thuộc thửa số 237, 231, 1286, 1290. UBND xã Xuân Thiện đã đề nghị Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Nông trường Cao su Bình Lộc sắp xếp thời gian cử cán bộ xuống cùng địa phương đi thực địa để bàn giao những thửa đất nói trên, tuy nhiên lãnh đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Nông trường Cao su Bình Lộc vẫn chưa có phản hồi”.
Hé lộ nhiều tiêu cực
Nguyên Giám đốc nông trường Nguyễn Phúc Toàn (từ năm 1986 đến tháng 3-2011) hiện là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Theo một nguồn tin từ bạn đọc của ĐTTC phản ánh, tại khu nhà lầu ở Nông trường Cao su Bình Lộc có một lô đất cây xanh hơn 1.000m2 đã được ông Nguyễn Phúc Toàn biến thành nơi kinh doanh trượt patin.
Tại khu dân cư khu 4 còn có lô đất giáp với lô cao su (thuộc lô cao su 65), trước đây khi trồng cao su ông Toàn cắt để lại khoảng 2.000m2.
Đến năm 2010, ông Toàn chia cho một số cán bộ thân cận và người thân. Những người này đã bán lấy tiền. Ngoài ra, khoảng 2ha đất trống ở lô cao su (lô 33), thuộc đội 3 của nông trường, ông Toàn cho ông Dương, một cán bộ chủ chốt của nông trường trồng cao su...
Trong khi đó, nông trường lại tranh chấp, đòi lại đất vốn được cấp cho nhiều cán bộ, công nhân trước đây và đã sinh sống ổn định gần 20 năm qua.
Đơn cử như trường hợp ông Hồ Ngọc Luyện, năm 1984 được cấp đất ở hơn 500m2 ở khu văn phòng đội 3 (5A, ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) sau khi được điều động vào đây phát triển vùng trồng mới. “Tôi đã sinh sống và đóng thuế nhà đất đầy đủ cho Nhà nước.
Đến năm 2008, tôi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lãnh đạo nông trường đòi lại. Điều nghịch lý là cũng trong khu đất này, nông trường đã cắt bán cho cả những người không có hộ khẩu tại địa phương, không thuộc công nhân nông trường” - ông Luyện cho biết.
Trả lời những thắc mắc pháp lý về những khu đất bỗng nhiên trở thành của riêng của “quan” như phản ánh của người dân, bà Trần Thị Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện, cho biết: “Ông Toàn có sử dụng khu đất hơn 1.000m2 để xây dựng sân trượt patin, xung quanh còn khoảng 1.000m2 làm đất trồng cây.
Sau một thời gian kinh doanh không hiệu quả, sân patin này tạm thời đóng cửa, bỏ hoang nhiều năm. UBND xã đang yêu cầu nông trường bàn giao khu đất này theo tinh thần của Quyết định 2182. Những lô đất khác chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra lại”.
Đối với diện tích đất tranh chấp giữa nông trường và ông Luyện, bà Trang cho biết thêm: “Đây cũng là một trong số diện tích đất phải thu hồi theo chủ trương của tỉnh. Lấn cấn hiện nay xuất phát từ việc nông trường đang có công văn xin lại đất để làm đất chuyên dùng và không bàn giao theo quy định, do vậy UBND xã chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho ông Luyện. Ông Luyện đã khiếu nại lên tỉnh và chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo”.
Ngày 6-6-2012, ĐTTC và đại diện một số cơ quan báo đài đã đến trụ sở Nông trường Cao su Bình Lộc xin gặp lãnh đạo trao đổi làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan nhưng bị từ chối vì sếp “bận họp và không có thẩm quyền trả lời”.
Tương tự, khi chúng tôi đến trực tiếp làm việc Tổng công ty Cao su Đồng Nai, nhân viên tại đây cho biết tất cả lãnh đạo đã đi vắng.