Theo số liệu quan trắc đến thời điểm này cho thấy đợt mưa ở miền Trung đã có những số liệu vượt kỷ lục theo thống kê về lượng mưa ở một số địa điểm vào giai đoạn cuối của mùa mưa. Một số nơi còn vượt kỷ lục của mùa mưa chính vụ. Có thể nói là đợt mưa này chưa từng xảy ra trong quá khứ, tức các quy luật về mưa không còn như trước.
Trước đó, cơn mưa chiều 26-9 là trận mưa lớn nhất xảy ra tại TPHCM trong hơn 40 năm qua. Chỉ trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng mưa đã đạt đến 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước, nhấn chìm 59 tuyến phố với chiều sâu ngập 0,1-0,5 m, diện tích ngập 100-30.000m2.. Nguyên nhân cần phải có những nghiên cứu để làm rõ thêm.
Nhưng bước đầu có thể thấy đây là những biểu hiện rõ ràng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thực tế, BĐKH từ lâu đã không còn là câu chuyện xa vời, khi hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng khắc nghiệt. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng khoảng 0,4oC trong 20 năm gần đây so với giai đoạn 1981-1990; nhiệt độ cực đại tăng ở các vùng, song giảm ở một số khu vực phía Nam.
Lượng mưa trung bình tăng ở miền Nam và giảm ở miền Bắc; hạn hán trong mùa khô xảy ra thường xuyên hơn. Số lượng bão mạnh có xu hướng gia tăng; số ngày rét đậm, rét hại giảm nhưng xuất hiện những đợt rét dị thường và ảnh hưởng của La Nina và El Nino có xu hướng gia tăng. Mực nước biển đã tăng khoảng 3,34mm/năm trong 20 năm 1993-2014.
Riêng TPHCM nằm trong 10 TP trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi BÐKH. Dự báo đến năm 2050, mực nước biển có thể dâng khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ 21 sẽ là 75cm. Khi đó, 204km2 chiếm 10% diện tích của TPHCM bị ngập và năm 2100 sẽ có 472km2 chiếm 23% diện tích TP bị ngập chìm trong nước biển.
Cụ thể, trong 10 trở lại đây, tình trạng ngập úng do triều cường diễn ra ngày một trầm trọng và lan rộng. Nhiều khu vực của TP không chỉ ngập úng trong mùa mưa mà còn xảy ra quanh năm, nhất là mỗi khi triều cường. Nếu mưa và thủy triều lên cùng một lúc, tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Ðáng báo động là tình trạng lượng mưa lớn, trái mùa, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt kéo dài, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Những cảnh báo về nguy cơ từ BÐKH TPHCM phải đối mặt vào cuối thế kỷ 21 đang ngày càng hiển hiện. Nhưng do luôn phải chạy theo các giải pháp tạm thời do quy hoạch thiếu tầm nhìn, cho đến nay nhiều khu vực của TPHCM luôn phải chịu cảnh “đến hẹn lại ngập”.
Có những khu vực, như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) kết nối phía Đông TP với các quận trung tâm gần như không có khả năng cải tạo về mặt hạ tầng để chống ngập. Trong khi đó, năm 2017 TP đã chi gần 14.000 tỷ đồng và dự kiến số vốn tương đương trong năm 2018 để giảm ùn tắc giao thông và ngập nước, nhưng đến nay chưa đưa lại hiệu quả tương xứng. Việc chống ngập vẫn dừng lại ở các giải pháp duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước, hoặc tôn cao nền khu vực bị ngập… trong khi một số dự án chống ngập đang triển khai chưa phát huy hết tác dụng, hoặc đang kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí và chậm trễ trong việc ứng phó BÐKH.
Rõ ràng, ngoài nguyên nhân từ yếu tố tự nhiên, yếu tố chủ quan là nguyên nhân quan trọng. Đó là, vấn đề BĐKH hoặc chưa được cân nhắc, lồng ghép triệt để trong quy hoạch phát triển đô thị, hoặc việc thực hiện quy hoạch không tốt, từ đó làm giảm khả năng chống chịu của TP, đồng thời làm trầm trọng thêm các tác động của BĐKH. Tình huống xấu nhất có thể cảnh báo với tình hình hiện nay, với kịch bản hơn 500 doanh nghiệp quy mô lớn và vừa, cùng 24.000 công xưởng quy mô nhỏ sẽ chịu tác động do ngập úng tại TPHCM. Xét về mặt địa lý - dân cư, sẽ có khoảng 12% dân số TP chịu thiệt hại thiên tai; 23% đất đai bị xói mòn không thể sử dụng được; thậm chí GDP của TPHCM cũng có thể bị thụt lùi nhiều năm nếu phát sinh ngập úng lớn.
Vì thế, nếu không có một quy hoạch tổng thể lồng ghép BĐKH vào các quy hoạch phát triển đô thị theo hướng thích ứng dựa trên hệ sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, một bản quy hoạch đủ thông minh ứng phó với tiến trình phát triển đô thị mới và chủ động ứng phó với BĐKH, dù có bỏ ra bao nhiêu tiền đi chăng nữa vẫn sẽ càng chống càng ngập.