Thêm 100 triệu người bị đe dọa lâm vào cảnh bần cùng, 600 triệu người bị đe dọa đói kém và 150 triệu người phải đối mặt với các căn bệnh đường ruột. Những thống kê trên từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố cho thấy cái giá phải trả nếu quốc tế để mặc khí hậu trái đất nóng lên.
Báo cáo chỉ ra rằng tại Indonesia, rủi ro phải đối mặt với lũ lụt của người nghèo cao hơn 30% so với người có thu nhập trung bình. Trước đe dọa của hạn hán, tỷ lệ bị ảnh hưởng lên tới 50%. Nói một cách đơn giản, những biến đổi về khí hậu, thời tiết sẽ tác động mạnh hơn đối với người nghèo. Đứng trước cùng một trận bão, những người này dễ trở nên trắng tay hơn. Theo chuyên gia kinh tế Stephane Hallegate của WB, người nghèo may lắm có được mái nhà xiêu vẹo, với tất cả của cải trong đó. Một con nước lớn có thể cuốn trôi đi tất cả.
Trong khi đó, Liên hiệp quốc đưa ra báo động về nguy cơ mất mùa, đẩy giá nhu yếu phẩm lên cao. Cuối tháng 10 vừa qua, báo cáo viên Liên hiệp quốc về an toàn lương thực, Hilal Elver cho biết lũ lụt, hạn hán đe dọa hệ sinh thái và biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến các hoạt động nông nghiệp toàn cầu. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo năm 2050 dân số trên toàn cầu sẽ lên đến 9 tỷ người, thay vì 7 tỷ người như hiện tại. Để cung ứng lương thực thực phẩm cho ngần ấy con người, sản lượng lương thực thế giới phải tăng thêm 70% trong 35 năm tới. Vấn đề đặt ra là nhiều vựa lúa trên thế giới bị đe dọa dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Tại những khu vực như Đông Nam Á và châu Phi phía Nam sa mạc Sahara, nơi vẫn có 80% dân số sống bằng nghề canh nông, đây thực sự là vấn đề quốc tế cần quan tâm. Theo Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, hiện có hơn 800 triệu người trên thế giới bị đe dọa đói kém và con số đó có nguy cơ tăng lên 1,5 tỷ năm 2080. Đó là chưa kể nắng hạn và thay đổi thời tiết bất thường làm giảm năng suất của nông dân từ 2-5% trong 1 thập niên tới. Hay nếu khí hậu bị nóng lên 20oC, cứ 10 năm thu hoạch mì, gạo hay ngô sẽ giảm đi 2%. Hậu quả kèm theo giá những mặt hàng thiết yếu này sẽ tăng vọt. Theo thẩm định của Tổ chức Oxfam, đến cuối thế kỷ này trung bình giá nông phẩm trên thế giới sẽ nhân lên gấp đôi so với hiện tại. Với gần 10% nhân loại sống dưới ngưỡng nghèo khó, thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày, hay những lực lượng phải dành tới 60% thu nhập để đủ ăn ngày 2 bữa, kịch bản này là một thảm họa.
![]() |
Người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. |
Ngoài đe dọa đói, nghèo do biến đổi khí hậu đem lại, WB còn quan tâm đến những hậu quả về y tế bởi thiên tai thường đi kèm với hàng loạt dịch bệnh. Riêng trong trường hợp của Ấn Độ, nếu nhiệt độ của trái đất nóng lên quá 2°C, 45 triệu dân xứ này sẽ rơi vào cảnh bần cùng với thu nhập dưới ngưỡng nghèo khó. Ấn Độ cũng sẽ có thêm 150 triệu người bị bệnh sốt rét và thêm ít nhất 10% những ca bị các loại bệnh đường ruột trong 15 năm tới.
Trở ngại lớn nhất đặt ra với thế giới là để hiện tượng biến đổi khí hậu không xua tan những nỗ lực xóa đói giảm nghèo cộng đồng quốc tế đã đạt được và giúp hơn 700 triệu người trên thế giới thực sự thoát khỏi cảnh bần cùng, giữ được 100 triệu người trên hành tinh không bị nạn đói đe dọa. Và để đạt được những mục tiêu đó, thế giới cần 1.000 tỷ USD, tức cao gấp 10 lần so với cam kết của các nước giàu hỗ trợ các nền kinh tế chậm phát triển đối mặt hiện tượng trái đất đang bị nóng lên.
(Tổng hợp)