Sau khi hoàn thành bản thảo, tôi thường in ra giấy khổ A4 rồi dành khoảng 10-15 phút để đọc lại ít nhất 1-2 lần. Tôi kiểm tra lại lỗi chính tả, thay thế từ ngữ nào chưa ưng ý sao cho phù hợp và rõ nghĩa hơn, hay cắt bỏ ý tưởng trùng lắp. Tôi phải cân nhắc từ nào nên viết hoa, từ nào có thể viết tắt, từ nào cần chú thêm tiếng Anh. Những từ Hán Việt thường cô đọng và súc tích nhưng có thể trở nên mơ hồ nếu sử dụng trong ngữ cảnh không phù hợp.
Tôi cũng thường đặt mình vào vị trí của độc giả khi đọc lại bản thảo vừa viết. Đoạn mở đầu có thú vị không, có thể bổ sung hoặc bỏ bớt những chi tiết không cần thiết? Chú thích cho hình ảnh minh họa hay bảng biểu trình bày số liệu có rõ ràng và dễ hiểu? Có khi tôi phải sửa lại tựa bài báo cho phù hợp với nội dung đã diễn đạt. Cũng có những lúc vì lý do kỹ thuật tôi không thể in bản thảo ra để xem lại mà chỉnh sửa trực tiếp trên màn hình máy tính, nhưng bao giờ tôi cũng xem lại bài viết một cách tổng thể trước khi gửi cho tòa soạn.
Quy trình sản xuất một chương trình truyền hình.
Cho dù kỹ lưỡng và tỉ mỉ như thế nào đi chăng nữa, đứa con tinh thần của tôi vẫn phải qua khâu biên tập. Việc đọc và xem lại bài báo của các nhà báo hay cộng tác viên (CTV) sẽ được thực hiện vài lần nữa, nhưng biên tập viên (BTV) của một tờ báo còn phải sắp xếp lại cho phù hợp với giới hạn số chữ/trang cho phép. Ngoài công việc liên quan đến câu chữ, BTV còn phải ít nhiều có kiến thức hay kỹ năng về đồ họa, vi tính hay nghiệp vụ in ấn. BTV là người có quyền quyết định bài báo có được đăng hay không, nhưng người có trách nhiệm cuối cùng và cao nhất liên quan đến bài báo đã đăng vẫn là tổng biên tập.
Việc khen hay chê một bài báo thường dành cho tác giả, nhưng ngoại trừ những bài viết trên trang cá nhân, tác phẩm báo chí là công trình tập thể, trong đó có công lao thầm lặng của BTV. Với tôi, BTV là người định hướng và đồng hành với nhà báo/CTV qua từng trang viết. Chính nhờ sự động viên và nâng đỡ của đội ngũ BTV và tòa soạn, những người vừa làm doanh nhân vừa viết báo như tôi vẫn còn gắn bó với nghiệp viết, với mong mỏi đóng góp những điều hữu ích cho cộng đồng và xã hội.
2.Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của truyền thông đa phương tiện làm cho nghề BTV thú vị hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực xuất bản truyền thống. Một số BTV giờ đây kiêm luôn cả việc đọc tin tức trên truyền thanh truyền hình, làm người dẫn chương trình (MC). Nhiều BTV trở thành người của công chúng, xuất hiện ở nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật và cả những cuộc trao đổi bàn tròn hay hội nghị chuyên đề có hàm lượng trí tuệ cao. Không rõ những BTV này dành bao nhiêu thời gian cho việc biên tập, nhưng sức làm việc của họ thật đáng khâm phục, với khả năng quản lý thời gian hiệu quả và đánh đổi thời gian dành cho gia đình người thân hay hy sinh cuộc sống riêng tư.
2.Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của truyền thông đa phương tiện làm cho nghề BTV thú vị hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực xuất bản truyền thống. Một số BTV giờ đây kiêm luôn cả việc đọc tin tức trên truyền thanh truyền hình, làm người dẫn chương trình (MC). Nhiều BTV trở thành người của công chúng, xuất hiện ở nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật và cả những cuộc trao đổi bàn tròn hay hội nghị chuyên đề có hàm lượng trí tuệ cao. Không rõ những BTV này dành bao nhiêu thời gian cho việc biên tập, nhưng sức làm việc của họ thật đáng khâm phục, với khả năng quản lý thời gian hiệu quả và đánh đổi thời gian dành cho gia đình người thân hay hy sinh cuộc sống riêng tư.
Ở một chiều kích khác, thuật ngữ “biên tập” dường như đã bị lạm dụng, đi xa tính chất chuyên nghiệp và nghiêm túc của nó. Theo quan sát có phần hạn chế của tôi, hầu như bất cứ ai đọc bản tin xuất hiện trong một chương trình tin tức trên truyền hình, đài phát thanh hoặc trên internet đều được gọi là BTV. Theo định nghĩa của từ điển Wikipedia, người làm công việc này có nhiều danh xưng khác nhau: người dẫn tin (news presenter), người đọc tin tức (news reader), phát thanh viên (newscaster)… Họ cũng có thể là nhà báo đang làm việc, hỗ trợ việc thu thập tài liệu tin tức và có thể đưa ra các bình luận trong suốt chương trình. Công việc của những người này nói chung rất thú vị nhưng áp lực cũng cao vì phải hứng chịu búa rìu dư luận nếu mắc phải lỗi lầm nào đó.
Mới đây, một BTV của đài truyền hình VTV đã gặp tai nạn nghề nghiệp, khi đọc bản tin gọi những người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng” trên đường phố trong thời kỳ đại dịch. BTV sau đó đã xin lỗi trên trang cá nhân rằng mình đã “nói nhịu”, tức đã nói thừa từ “trùng”. Nhưng ngoài khái niệm về sinh vật học, ký sinh là từ có ý nghĩa xấu.
Trong tiếng Hoa, “ký sinh” (寄生) là động từ có hàm ý còn xấu hơn nữa, tức những kẻ lợi dụng hay bóc lột cuộc sống của người khác. Tuy nhiên, những ai có chút hiểu biết về ngành truyền thông, đều hiểu rằng bản tin nói trên không hẳn do BTV này biên tập. Bởi lẽ, các bản tin truyền hình đều được soạn thảo và biên tập trước khi phát. Nếu người đọc tin này “phăng” một từ mới khác với bản tin đã được giao, đó mới là lỗi của anh.
Lời nói không mất tiền mua, VTV đã kịp thời sửa sai bằng lời xin lỗi với những người bán hàng rong cho biết đây là “sơ suất trong quá trình biên tập và lên sóng trực tiếp”, BTV dẫn chương trình đã “sử dụng từ ngữ không phù hợp và ngoài ý muốn khiến khán giả hiểu sai nội dung muốn truyền tải”. Nhưng nhất ngôn ký xuất, cụm từ “ký sinh trùng” gán cho thân phân người bán hàng rong sẽ còn tiếp tục “bám” vào tâm trí nhiều người trong giai đoạn đầy nhạy cảm này. Sự cố này chắc chắn sẽ là bài học quý giá không chỉ cho VTV mà còn với ban biên tập báo chí truyền thông khác.
Nhưng trong rủi lại có may, sự cố nói trên giúp khán thính giả truyền thanh truyền hình và độc giả báo chí hiểu và trân trọng hơn công việc thầm lặng của các BTV. Các MC kiêm BTV hay BTV kiêm MC cần xác định rõ vị trí của mình và dành thời gian thích đáng cho công việc được giao để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.