Big Tech dẫn đầu đà tăng tháng 11; Dầu giảm giá khi hoài nghi về OPEC+ gia tăng

(ĐTTCO) - Chỉ số Dow Jones tăng hôm thứ Năm (30/11) lên mức cao mới trong năm. Dầu thô Mỹ giảm, xóa đi mức tăng ban đầu, khi các nhà giao dịch tin rằng OPEC+ sẽ không thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng.
Big Tech dẫn đầu đà tăng tháng 11; Dầu giảm giá khi hoài nghi về OPEC+ gia tăng

Dow tăng 500 điểm lên mức cao mới năm 2023

Khép phiên, chỉ số Dow tăng mạnh 520 điểm, tương đương 1,47%, đạt 35.950,89, vượt qua mức cao nhất đã thiết lập vào tháng 8. S&P 500 tiến 0,4% lên 4.567,80. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,2% xuống 14.226,22 do các nhà đầu tư chốt được một số lợi nhuận từ các cổ phiếu Big Tech đã dẫn đầu sự trở lại vào tháng 11.

Chỉ số Dow kết thúc tháng 11 với mức tăng 8,9%, phá vỡ chuỗi 3 tháng giảm điểm. S&P 500 cộng 8,9% trong tháng 11, trong khi Nasdaq thêm 10,7%. Cả 2 chỉ số này đều có hiệu suất hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 7/2022 và đang giao dịch cách mức cao tương ứng năm 2023 khoảng 1%.

Dẫn đầu đà thúc đẩy chỉ số Dow tăng cao vào thứ Năm là công ty phần mềm đám mây Salesforce, tăng 9,4% nhờ lợi nhuận và doanh thu tốt hơn mong đợi trong quý tài chính thứ 3. Hoạt động kinh doanh dữ liệu đám mây của Salesforce, có doanh thu tăng 22% so với năm trước và sản phẩm trí tuệ nhân tạo Einstein GPT mang lại kết quả tích cực. Các công ty chăm sóc sức khỏe UnitedHealth Group, Johnson & Johnson, Merck và Amgen cũng góp phần thúc đẩy chỉ số tăng cao hơn.

Dữ liệu được công bố vào đầu ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với mức tăng 3,7% trong tháng trước.

Đây là số liệu mới nhất trong chuỗi dữ liệu lạm phát tích cực được công bố vào tháng 11, khiến các nhà giao dịch kết luận rằng Fed có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất và thậm chí có thể bắt đầu hạ lãi suất vào năm 2024.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, vốn đã khiến các nhà đầu tư lo sợ khi vượt ngưỡng 5% vào tháng trước, đã giảm trong tháng này khi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt được công bố, giúp thúc đẩy tâm lý thị trường. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng cao lên 4,34% vào thứ Năm.

Cổ phiếu công nghệ gần như là những cổ phiếu thắng lớn trong tháng 11, nhưng các nhà đầu tư đã loại bỏ một số “thắng lợi” đó khi sắp kết thúc tháng. Nvidia đã giảm 2,9% nhưng vẫn kết thúc tháng với mức tăng 14,7%. Cổ phiếu Tesla đã giảm 1,7% sau khi tăng trở lại 19,5% vào tháng 11. Alphabet và Meta lần lượt mất 1,8% và 1,5% trong ngày.

Giá dầu giảm khi hoài nghi gia tăng về việc cắt giảm của OPEC+

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ giao tháng 1 giảm 1,90 USD, tương đương 2,44%, xuống mức 75,96 USD/thùng. Trong khi hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 mất 27 cent, tương đương 0,17%, xuống mức 82,83 USD/thùng.

OPEC+ đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Năm rằng không chính thức tán thành việc cắt giảm sản lượng, nhưng từng quốc gia đã công bố mức giảm tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2024, dẫn đầu với Ả Rập Saudi, trụ cột và là thành viên lớn nhất của nhóm.

Jorge Leon, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, cho biết trong một ghi chú sau cuộc họp rằng thị trường thất vọng với kết quả này vì việc cắt giảm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và nhóm không thống nhất được một chiến lược nhất trí, buộc các thành viên phải thực hiện cắt giảm đơn phương.

Riyadh đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày, một nguồn tin trong Bộ Năng lượng nói với Cơ quan báo chí Saudi.

Ngoài ra, Iraq đang cắt giảm 223.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 163.000 thùng/ngày, Kuwait 135.000 thùng/ngày, Kazakhstan 82.000 thùng/ngày, Algeria 51.000 thùng/ngày và Oman 42.000 thùng/ngày.

Nga cũng tăng cường cắt giảm nguồn cung tự nguyện xuống 500.000 thùng/ngày cho đến cuối quý 1, theo tuyên bố của Phó Thủ tướng Alexander Novak.

Theo Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, các thương nhân lo ngại rằng việc cắt giảm là tự nguyện và không bắt buộc, đặt ra câu hỏi liệu OPEC+ có thực sự có thể thực hiện theo và cắt giảm sản lượng hay không.

Chuyên gia John Kilduff của Again Capital cho biết OPEC+ gặp vấn đề lớn khi nói đến sự gắn kết và tuân thủ việc cắt giảm sản lượng. Ông cho biết “OPEC+ đang bị siết chặt bởi sản lượng kỷ lục từ các quốc gia trong đó có Mỹ và đang mất thị phần ở châu Á, nơi tăng trưởng nhu cầu đang gặp khó khăn do những khó khăn kinh tế ở Trung Quốc.”

Các tin khác