Cửa ngõ Tây Nam, hạ tầng quá tải
Huyện Bình Chánh có vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía Tây và Nam TPHCM, là cầu nối giao lưu kinh tế, giao thương đường bộ giữa TPHCM với vùng ĐBSCL, vùng kinh tế miền Đông Nam bộ và các khu công nghiệp (KCN) trọng điểm.
Huyện kết nối với hầu hết trục đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A - huyết mạch giao thông chính từ các tỉnh ĐBSCL đến các tỉnh vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và các tỉnh Đông Nam bộ; các tuyến đường liên Tỉnh lộ 10 nối liền với KCN Đức Hòa (Long An); đường Nguyễn Văn Linh nối từ Quốc lộ 1A đến KCN Nhà Bè và khu chế xuất Tân Thuận quận 7, vượt sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai; Quốc lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An).
Thời gian qua huyện Bình Chánh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và dân số cơ tăng học nhanh. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc đầu tư - xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội chưa đáp ứng kịp sự phát triển nhanh của huyện. Hạ tầng giao thông đô thị chưa được chỉnh trang, hoàn chỉnh nên tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, chợ tự phát, ùn tắc giao thông chưa được cải thiện. Quy hoạch còn bất cập chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư, phát triển nhà ở cho người dân.
Trong nhiều năm qua dân cư các tỉnh khác đã di chuyển đến cư ngụ, sinh sống, tập trung khá nhiều, càng gây ra hệ lụy về quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống giảm sút, dù Bình Chánh đã có chương trình nông thôn mới giải quyết phần nào điều kiện sống ở nông thôn.
Đặc biệt, cơ chế quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy của xã, huyện không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Lực lượng công an xã chưa chính quy chuyên nghiệp không đảm bảo nghiệp vụ, dẫn đến tình hình phạm pháp hình sự tăng cao.
Việc thành lập chính quyền đô thị huyện Bình Chánh thuộc TPHCM là cấp thiết, nhằm góp phần đảm bảo sự hài hòa và tăng cường công tác quản lý nhà nước địa phương.
Hiện nay, đối với các xã đang trong quá trình đô thị hóa nhanh (Bình Hưng, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, An Phú Tây, Phong Phú...), hệ thống chính trị ở địa phương vừa thực hiện yêu cầu quản lý, chỉnh trang đô thị, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý nông nghiệp, nông thôn, nên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền tại các xã này nói riêng, huyện Bình Chánh nói chung, không còn phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế đó, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý phù hợp, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Lộ trình đến năm 2025
Huyện Bình Chánh có thị trấn Tân Túc và 15 xã, trong đó xã Lê Minh Xuân là đơn vị hành chính có diện tích lớn nhất (khoảng 35.000ha). Đến nay, có 14/14 xã đã được UBND TPHCM công nhận hoàn thành giai đoạn nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Về quy mô dân số, tính đến ngày 31-12-2021 huyện đã đạt mốc hơn 800.000 người và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Qua khảo sát, đánh giá sơ bộ thực trạng đến năm 2025, Bình Chánh chọn mô hình chuyển đổi lên TP trực thuộc TPHCM. Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đầu tư, xây dựng đạt các tiêu chí TP theo quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 1 và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
So với tiêu chuẩn, nhiều tiêu chí về hạ tầng giao thông, đất dành cho giáo dục… huyện Bình Chánh chưa đủ chuẩn, tập trung ở các xã Tân Nhựt, Đa Phước, Quy Đức, Phạm Văn Hai; các xã đạt nhưng chưa bền vững (Vĩnh Lộc A, Đa Phước, Tân Kiên, Bình Hưng, thị trấn Tân Túc). Bình Chánh đang xây dựng kế hoạch, rà soát, đối chiếu quy hoạch, chọn địa điểm đầu tư, kêu gọi đầu tư hoặc xã hội hóa… phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí về đất công trình giáo dục.
“Qua phân tích số lượng tiêu chí đạt chuẩn, chưa đạt chuẩn và khả năng cải thiện các tiêu chí chưa đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trên địa bàn huyện, kết quả cho thấy Bình Chánh có khả năng đạt được các tiêu chí phân loại đô thị loại III chuyển đổi sang mô hình TP thuộc TP vào năm 2025” - báo cáo nêu.
Về phát triển nhà ở, Bình Chánh hiện có 148 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện. Đến nay, có 55 dự án triển khai chậm hết hiệu lực, 93 dự án đang triển khai còn hiệu lực với tổng diện tích 2,23 triệu ha. Trong đó, có 46 dự án nằm trong quy hoạch khu Nam với tổng diện tích 1,18 triệu ha, và 47 dự án nằm ngoài quy hoạch khu Nam với tổng diện tích 1,06 triệu ha; 50/93 dự án đã hoàn thành công tác bồi thường với tổng diện tích 548.560ha, và 43 dự án chậm triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Bình Chánh đã cấp 13.194 giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ, tổng diện tích sàn xây dựng 2,84 triệu m2. Để đạt mục tiêu thành TP, huyện Bình Chánh cần đầu tư nhiều dự án đến năm 2030, bao gồm phân kỳ theo giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Phân kỳ theo giai đoạn 2021-2025 tổng vốn đầu tư ước 88.000 tỷ đồng, chưa tính đến danh mục các dự án đầu tư nhà ở thương mại và nhà ở xã hội do Sở Xây dựng đề xuất (có thể sử dụng nguồn vốn xã hội hóa).
Về danh mục dự án nâng cấp và mở rộng đường giao thông theo nguồn vốn đầu tư công (giai đoạn 2021-2025), huyện Bình Chánh có tổng vốn dự kiến 52.294 tỷ đồng (hơn 300 dự án). Danh mục dự án này góp phần giải quyết mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông để đạt tiêu chí 7km/km2 theo tiêu chuẩn đô thị loại III.
Về danh mục dự án cải tạo môi trường trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, Bình Chánh có tổng cộng 35 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến 408,6 tỷ đồng. Danh mục 13 dự án phát triển nhà ở thương mại giai đoạn 2021-2025, với tổng cộng 13.192 căn hộ (chủ yếu căn hộ chung cư), tổng diện tích sàn xây dựng 1,33 triệu m2.