Chẳng đâu thể hiện điều này rõ ràng hơn Việt Nam – nơi nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm 90% khối lượng giao dịch.
Tại đất nước hình chữ S, chỉ số VN-Index đã tăng 20% từ đầu năm, tăng mạnh nhất tại châu Á. Không cách quá xa là những cường quốc công nghệ Hàn Quốc và Đài Loan, với các chỉ số chứng khoán chuẩn tăng hơn 10%. Trader nhỏ lẻ chiếm khoảng 75% giá trị giao dịch tại Hàn Quốc và khoảng 70% giá trị giao dịch tại Đài Loan.
Đà leo dốc vẫn diễn ra mặc dù khối ngoại đang bán ròng ở cả 3 thị trường này.
Cơn sốt đầu tư của binh đoàn nhỏ lẻ trên toàn cầu – vốn đã thu hút sự chú ý trong suốt đại dịch Covid-19 – vẫn tiếp tục diễn ra giữa lúc dịch bệnh tái bùng phát tại châu Á. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã thôi thúc người dân đổ xô vào thị trường để kiếm thêm thu nhập hoặc để kiếm lợi suất cao hơn so với mức lãi suất gửi tiết kiệm. Sự ra đời của các ứng dụng giao dịch phí thấp trên điện thoại thông minh là một chất xúc tác chính cho xu hướng này.
“Binh đoàn nhỏ lẻ sẽ tiếp tục trở thành lực lượng quan trọng trên thị trường khi họ dần dần góp nhặt kiến thức và kỹ năng giao dịch và đầu tư”, Margaret Yang, Chiến lược gia tại DailyFX ở Singapore, cho hay.
Điều đó được thể hiện phần nào từ diễn biến gần đây trên thị trường Đài Loan, nơi vừa bùng phát dịch bệnh. Khi dịch bệnh bùng lên hồi đầu tháng này, chỉ số chứng khoán Đài Loan ghi nhận tuần giao dịch tệ nhất kể từ tháng 32020, nhưng đã hồi phục lại gần như hoàn toàn trong 2 tuần kế đó.
Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ số S&P 500 đang dao động gần mức kỷ lục. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ dường như đã quyết định tắt ứng dụng giao dịch và đặt tiền vào những tài sản ít rủi ro hơn khi người dân bắt đầu trở lại văn phòng, nhà hàng và quán bar nhờ quá trình tiêm chủng vắc-xin.
Thế nhưng, hoạt động giao dịch của binh đoàn nhỏ lẻ không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy thành quả vượt trội ở châu Á.
Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan cũng hưởng lợi từ triển vọng xuất khẩu khi việc tiêm chủng vắc-xin góp phần nâng cao sự tự tin trên toàn thế giới.
Một số chuyên viên phân tích cảnh báo rằng các trader nhỏ lẻ có thể không thể tiếp tục nhịp độ mua điên cuồng trong vài tháng gần đây.
“Khối lượng giao dịch tăng gấp 3, 4, 5 hoặc ở trường hợp của Đài Loan là 6 lần so với khối lượng giao dịch của năm 2016”, Jonathan Garner, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường mới nổi châu Á tại Morgan Stanley ở Hồng Kông, cho hay. “Thật khó mà duy trì nhịp độ giao dịch điên cuồng này mãi”.
Việt Nam
Tại Việt Nam, nhà đầu tư trong nước đã vùng dậy ngay khi khối ngoại bán ròng trong năm nay.
“Chúng tôi kỳ vọng sự sôi động sẽ tiếp diễn, miễn là lãi tiền gửi ngân hàng trên xu hướng giảm”, Stephen McKeever, Trưởng bộ phận khách hàng tổ chức tại CTCK HSC, cho hay.
Quỳnh Cao, Giám đốc khối tổ chức tại CTCK SSI, cho biết bà đang cảnh giác về khả năng điều chỉnh trên thị trường và đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh.
Đài Loan
Đài Loan cũng chứng kiến sự gia nhập của binh đoàn nhỏ lẻ kể từ lúc các nhà điều hành bắt đầu cho phép giao dịch lô lẻ trong tháng 10-2020. Điều này cho phép nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận tới các cổ phiếu giá cao như TSMC, nhất là với thế hệ trẻ hơn, Patrick Chen, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại CLSA chi nhánh Đài Loan, cho hay.
Hàn Quốc
Binh đoàn nhỏ lẻ ở Hàn Quốc mua mạnh cổ phiếu công nghệ và công nghệ sinh học. Bất chấp việc gỡ bỏ lệnh cấm bán khống và nhiều ngày bán ròng của binh đoàn nhỏ lẻ trong tuần qua, một số chuyên gia kỳ vọng binh đoàn nhỏ lẻ vẫn duy trì sức ảnh hưởng.
Việc nhà đầu tư bớt hừng có lẽ chỉ là "tạm thời" và trader nhỏ lẻ có lẽ tiếp tục mua thêm cổ phiếu của các nhà sản xuất vốn hóa lớn như Samsung Electronics và Hyundai Motor, Han Jiyoung, Chuyên viên phân tích tại Kiwoom Securities, cho hay.