Chính phủ vừa yêu cầu điều chỉnh cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương. Đây cũng chính là đề xuất của Bộ Tài chính.
![]() |
Việc chuyển giao này nếu được thực hiện là hợp lý, bởi thực tế hiện nay với xăng dầu Bộ Tài chính chỉ quản lý phần ngọn, tức xác định giá, trong khi phần gốc - quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc này được nhìn nhận theo 2 góc độ. Nếu vẫn giữ nguyên cơ quan chủ trì giá bán lẻ xăng dầu là Bộ Tài chính, giá xăng dầu dường như có sự can thiệp nhiều hơn từ phía Nhà nước.
Bởi thực tế đã vài lần doanh nghiệp đề nghị tăng giá hay báo cáo giá xăng dầu đang có chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ, nhưng Bộ Tài chính yêu cầu chưa tăng giá, tiết kiệm chi phí, tiếp tục theo dõi diễn biến. Điểm thứ hai là các số liệu công khai về giá bình quân trong tính toán giá xăng dầu được Bộ Tài chính công khai, minh bạch tới các phương tiện thông tin đại chúng. Còn nhớ trong cuộc họp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cách đây 3 năm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng giá xăng dầu đã giảm, doanh nghiệp có lãi nhưng không chịu giảm giá.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương nói cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Tài chính mang tính nửa vời và chẳng giống ai, không hẳn là bao cấp cũng chẳng thị trường, không xác định rõ mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng hay bao cấp cho dân. Còn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đổ lỗi các khoản lỗ họ đang gánh là do cơ chế.
Có thể việc thay đổi cơ quan chủ trì không tạo ra sự khác biệt lớn, vì bản chất vẫn là cơ quan quản lý nhà nước can thiệp điều hành thị trường. Song nếu vai chủ trì chuyển sang bộ chuyên ngành, có thể kỳ vọng cơ quan này điều hành hợp lý, sát thực tế kinh doanh hơn. Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chu kỳ tính giá cơ sở là bình quân 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.
Bên cạnh đó, sẽ chỉnh sửa lại biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Nếu giá cơ sở tăng từ 2% đến dưới 7%, sẽ xem xét các biện pháp bình ổn như dùng quỹ. Nếu giá cơ sở tăng trên 7% hoặc ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp bình ổn. Trong trường hợp giá cơ sở biến động tăng dưới 2%, doanh nghiệp được quyền tự quyết.
Những quy định trên nếu được thực hiện có nghĩa giá bán lẻ xăng dầu sẽ phản ánh sát hơn xu hướng giá thế giới, nhịp độ điều chỉnh giá nhanh hơn khi doanh nghiệp được quyết trong biên độ 2%. Và với giá xăng dầu hiện nay, các bước giá khoảng 500 đồng có thể thường xuyên được áp dụng như từ đầu năm đến nay. Chỉ khác một điều là mức tăng trong khoảng đó, cơ quan quản lý sẽ không được can thiệp như hiện hành.