Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui về điểm số và vốn hóa, việc TTCK tăng nóng cũng khiến giới đầu tư quan ngại bởi sức nóng chỉ tập trung vào những mã CP có vốn hóa lớn.
Vốn hóa tương đương 60% GDP
Sau hơn 10 năm, VN Index đã chính thức vượt mốc 900 điểm trong phiên giao dịch ngày 20-11. Trong kịch bản lạc quan nhất, có lẽ không NĐT nào nghĩ tới điểm số này khi chốt năm 2016, năm thành công nhất của TTCK sau gần 10 năm, chỉ ở mức khiêm tốn 664,87 điểm. Tính đến hết phiên 22-11, VN Index đã tăng hơn 38% so với mức đóng cửa vào cuối năm 2016.
Điểm dễ dàng nhận thấy là sức nóng của VN Index có sự đóng góp rất lớn từ nhóm CP trong rổ VN30, như VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), VRE (Vicom Retail), ROS (FLC Faros), GAS (PV Gas), MSN (Masan), BVH (Bảo Việt), PLX (Petrolimex), VCB (Vietcombank), VJC (Vietjet Air). Đơn cử, phiên giao dịch ngày 20-11 chỉ riêng “bộ tứ” gồm VIC, VRE, VNM và GAS đóng góp đến 10,2/12,9 điểm tăng của VN Index.
Phiên giao dịch hôm qua (22-11), SAB bất ngờ tăng vượt mốc 300.000 đồng/CP. Đây là mã CP có giá cao nhất trên TTCK ở thời điểm hiện tại. |
Chuỗi tăng điểm mạnh từ đầu năm đến nay của VN Index đã giúp vốn hóa của TTCK Việt Nam tăng tương ứng. Song song đó, việc một loạt doanh nghiệp lớn lên sàn gần đây cũng góp phần khiến vốn hóa của thị trường tăng theo.
Theo Báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) vừa được Credit Suisse công bố mới đây, giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2017 với tỷ lệ 61%. Theo tính toán của tổ chức này, tổng giá trị vốn hóa thị trường CP Việt Nam tính đến cuối quý III-2017 đạt trên 110 tỷ USD.
Mặc dù mức tăng trưởng vốn hóa của thị trường CP Việt Nam rất ấn tượng, nhưng theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), mức độ phân hóa cũng rất lớn chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của các CP lớn đầu ngành. Hiện 10 doanh nghiệp lớn nhất TTCK Việt Nam có tổng vốn hóa 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương 45,7% quy mô toàn thị trường. Trong đó dẫn đầu là VNM với 252.000 tỷ đồng, tiếp theo SAB 177.000 tỷ đồng, VIC 174.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, vốn hóa TTCK Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng nhờ lộ trình IPO và niêm yết của một số doanh nghiệp nhà nước lớn, như Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Tổng công ty Lương thực Việt Nam (Vinafood).
Ngoài ra, lộ trình thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp nhà nước cũng đang được quan tâm, nhất là sau thương vụ thoái vốn thành công tại Vinamilk. Theo kế hoạch, SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh cổ phần tại 4 doanh nghiệp là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) và CTCP Tập đoàn FPT (FPT) ngay trong tháng 12. Đây là những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, có vị thế hàng đầu trong ngành.
Trên cơ sở đó, thị trường dự kiến đón dòng vốn lớn đầu tư vào các doanh nghiệp này. Trong chiến lược phát triển TTCK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng giá trị vốn hóa thị trường CP được đặt mục tiêu khoảng 70% GDP vào năm 2020. Với những kết quả đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường đã đạt 60% GDP, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi.
Tăng nhưng không vui
Tăng nhưng không vui
Mặc dù thị trường đang tăng rất nhanh và mạnh, nhưng theo CTCK Rồng Việt (VDSC) không nhiều NĐT cảm thấy phấn khởi vì điều này. Thứ nhất, trao đổi với một số môi giới, phần lớn đều cho rằng giai đoạn rực rỡ của thị trường trong năm nay là khoảng giữa năm đến khi thị trường tăng lên mức 800-820 điểm. Thời điểm đó, NAV của danh mục đầu tư nhiều thành viên thị trường được hưởng lợi tốt nhất.
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2017 của 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất TTCK đạt 232.700 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016), trong khi tổng lợi nhuận đạt 39.300 tỷ đồng (tăng 5%). |
Như vậy, nếu so sánh với các thị trường khác trong khu vực và với P/E thị trường cận biên, kể cả thị trường mới nổi, P/E của VN Index hiện tại có lẽ đã qua cái thời giá rẻ.
Trong quá khứ từng có thời điểm VN Index chạm tới mốc P/E hơn 35x trong năm 2007, hay nhẹ nhàng hơn là mốc 23x năm 2009. Bỏ qua giai đoạn “bạo phát bạo tàn” 2007 thì 2009 là giai đoạn tăng trưởng tín dụng hơn 37,73%, rất nóng nên P/E theo đó cũng bị thổi phồng lên.
Trở lại những năm gần đây, năm 2014 P/E đã có lúc lên đến mức 17x nhưng sự kiện giàn khoan HD-981 và sau đó là sự lao dốc của giá dầu kéo theo sự sụp đổ của nhóm CP họ dầu khí, đã khiến VN Index lùi xa khỏi mốc này. Mất 3 năm để VN Index tăng trở lại, thậm chí vượt mốc 17x và lần này môi trường vĩ mô có lẽ ổn định và thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo VDSC mức P/E này không phản ánh đúng cho toàn thị trường. Theo số liệu thống kê rất nhiều mã nằm trong Top 50 vốn hóa thị trường có mức P/E cao khác thường, và Top 50 mã này cũng có mức tăng trưởng P/E rất mạnh (trung bình 20% kể từ đầu năm).
Thậm chí, một số mã như ROS hay VIC đã có P/E vượt mốc 100x với lần lượt 217x và 104x. Rõ ràng, thị trường tăng nhưng đồng thời tính phân hóa thị trường cũng tăng theo, đòi hỏi sự chắt lọc cơ hội kỹ lưỡng hơn, không như thời bùng phát “cứ mua là thắng” cách đây 10 năm.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tài khoản của đa phần NĐT không tăng, thậm chí giảm khi dòng vốn đang có xu hướng chuyển dịch sang nhóm blue chip. Đơn cử, phiên giao dịch ngày 21-11, dù VN Index có thời điểm tăng hơn 20 điểm nhưng số mã tăng chỉ dao động trong khoảng 100 mã, trong khi số mã giảm lên đến 150 mã.
Ảnh minh họa: L.THANH
Sẽ không giảm sốc
Theo nhận định chung của giới phân tích, sau giai đoạn tăng điểm nóng, nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn để giải tỏa áp lực chốt lời. Mặc dù vậy, khả năng giảm sốc của thị trường không nhiều, thay vào đó là nhịp điều chỉnh nhẹ với sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành. Điều này phần nào được thể hiện qua những nhịp tăng xen kẽ của các mã blue chip vừa qua.
Chẳng hạn, nếu như đợt sóng trước phiên giao dịch ngày 20-11, nhóm CP thuộc diện thoái vốn của SCIC gồm VNM, FPT, DMC, BMP, NTP khởi xướng đà tăng trong tuần trước, thì các phiên giao dịch đầu tuần có sự đóng góp của bộ đôi VIC - VRE và các mã mới tham gia như MSN, BVH, PLX.
Trụ đỡ kế tiếp của VN Index có thể đến từ động thái của khối ngoại trong kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, hay kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2017 của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, những diễn biến tiếp theo của quá trình thoái vốn SCIC trong đầu tháng 12 và làn sóng niêm yết vẫn sẽ tiếp tục hâm nóng thị trường.
Trước mắt là phiên chào sân của đại gia trong lĩnh vực khu công nghiệp Tổng công ty Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Việt Nam (IDC) trong phiên giao dịch ngày 24-11. Đối với nhóm CP vừa và nhỏ, sau thời gian im hơi lặng tiếng, nhiều khả năng sẽ thế nhóm CP blue chip trên khi điều chỉnh. Đây cũng là lý do khiến giới phân tích đưa ra dự báo VN Index sẽ không giảm sốc.