Chiều nay 27-4, Bộ Công thương đã có báo cáo số 2976 gửi Thủ tướng để báo cáo tình hình xuất khẩu gạo và kiến nghị bỏ cơ chế điều hành theo hạn ngạch trong tháng 5-2020.
Báo cáo do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ký cho biết, ngay sau khi áp dụng hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu bắt đầu đăng ký từ 0 giờ ngày 12-4, các doanh nghiệp đã đăng ký 521 tờ khai, tương đương 399.999,63 tấn. Phần lớn số tờ khai được doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế tại TPHCM (442 tờ khai, tương đương 304.846,75 tấn, chiếm 76,21%).
Tính đến thời điểm xây dựng báo cáo (11 giờ 30 ngày 26-4), số liệu công bố trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan cho biết, đã thực xuất khẩu được 185.634,59 tấn (chiếm 46,41% tổng lượng hạn ngạch 400.000 tấn), còn 214.365,14 tấn đã đăng ký nhưng chưa xuất khẩu (chiếm 53,59%).
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa năm 2020 có thể đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó:
Vụ Đông Xuân: sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc; trong đó, sản lượng vùng ĐBSCL ước đạt 10,8 triệu tấn.
Vụ Hè Thu: sản lượng ước đạt 11,0 triệu tấn thóc; trong đó, vùng ĐBSCL ước đạt 8,7 triệu tấn (đến nay đã xuống giống được 0,3 triệu ha, tập trung ở vùng không bị ảnh hưởng của hạn, mặn).
Vụ Thu Đông tại các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, diện tích gieo cấy dự kiến 750 nghìn ha.
Vụ Mùa: sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn thóc. Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng ước đạt 4,7 triệu tấn; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 1,4 triệu tấn.
Riêng vùng ĐBSCL, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc.
Bộ NN-PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc. Cụ thể như sau: Tiêu thụ của người dân: 14,26 triệu tấn; Phục vụ chế biến: 7,5 triệu tấn; Phục vụ chăn nuôi: 3,4 triệu tấn; Dùng làm giống, giống dự phòng: 1,0 triệu tấn; Dự trữ trong nước: 3,8 triệu tấn.
Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong quý 1 năm 2020 đạt 1,52 triệu tấn. Hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4-2020 là 400.000 tấn và được bổ sung 100.000 tấn tạm ứng trước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Tuy nhiên, như trên đã trình bày, tới ngày 24-4, xuất khẩu gạo mới đạt 185.634,59 tấn. Căn cứ năng lực thông quan của hệ thống cửa khẩu quốc tế hiện nay, dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 4 sẽ dao động trong khoảng 300 - 350 nghìn tấn. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn.
Với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng “gối đầu” từ năm 2019 chuyển sang khoảng 200 nghìn tấn), sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu là khoảng 1,3 triệu tấn.
Vì vậy, căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu, Bộ Công thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
Kể từ ngày 1-5-2020, dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10-4-2020 của Văn phòng Chính phủ.
Kể từ ngày 1-5, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để duy trì, đảm bảo an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới hiện nay, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an, Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
Bộ Công thương tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại Điều 12 của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu, đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu .
Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó.