Thông tin tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), điện Mặt Trời có nhược điểm chỉ huy động được vào ban ngày, không phải muốn có bao nhiêu cũng được.
Vì vậy, cần phải cân đối các nguồn khác để dự phòng phát vào giờ cao điểm ban đêm nhằm cân bằng cung-cầu, đáp ứng an toàn hệ thống.
"Vì lý do này nên trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đến năm 2030 sẽ không phát triển điện Mặt Trời mặt đất nữa, còn điện Mặt Trời áp mái vẫn có thể khuyến khích sử dụng," ông Hùng nói.
Liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời (giá FIT), theo ông Hùng, giá FIT được thực hiện theo Quyết định 11 và 13 của Chính phủ với nhiều ưu đãi.
Cụ thể, với điện Mặt Trời mặt đất, Quyết định 11 có giá ưu đãi là 9,35 cent/kWh còn Quyết định 13 là 7,09 cent/kWh và điện Mặt Trời áp mái là 8,38 cent/kWh.
Nhờ các cơ chế khuyến khích đó nên thời gian qua, điện Mặt Trời phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn. Ước tính, gần 20 GW điện Mặt Trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng khẳng định Quyết định 13 đã hết hiệu lực vào ngày 30/12/2020 đồng thời ông cho biết cơ chế giá ưu đãi FIT khuyến khích đầu tư chỉ áp dụng trong thời gian nhất định để thu hút phát triển các dự án. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay không còn phù hợp.
"Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư quy định về khung giá bán điện cho các loại hình phát điện và cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện thông tư vẫn đang trong quá trình dự thảo," ông Hùng cho hay.