Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó tiền điện sinh hoạt tính theo 6 bậc thang hiện nay chưa phù hợp thực tế tiêu dùng của người dân. Chẳng hạn, mức sử dụng bậc 1 (0-50kWh) là quá thấp. "Bộ Công Thương có giải pháp sửa biểu giá điện thế nào để phù hợp hơn; có thể xem xét miễn thuế GTGT 10% với hóa đơn tiền điện để hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo hay không”, ĐB Phạm Văn Hòa chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến, nhiều quốc gia sử dụng, bởi khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Khác với các ngành hàng khác, càng sản xuất điện càng gây nguy cơ đến môi trường, do đó cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn. Ở Việt Nam, theo Quyết định 28 của Thủ tướng, biểu giá điện bán lẻ gồm 6 bậc. Tuy nhiên, biểu giá này bộc lộ bất cập nên thời gian qua bộ đã nghiên cứu, sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
Thực hiện nghị quyết của UBTVQH, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi, bổ sung. Do đó, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 28, trong đó, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh là 0-100kWh, thay vì 0-50kWh hiện nay để hỗ trợ người nghèo; còn cao nhất (bậc 5) từ 701 kWh trở lên.
Ngoài rút gọn số bậc thang, ở lần chỉnh sửa này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Giá cho nhóm khách hàng (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...) cũng được điều chỉnh. Việc này nhằm dần xóa khoảng cách bất hợp lý, bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Bộ trưởng cho rằng, kiến nghị của ĐB Hòa đã được tiếp thu, trình Chính phủ. Mục tiêu giữ được mức hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách nhà nước ở số điện lên đến 30. Từ 30 đến hết khung thứ nhất, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
Cùng tham gia trả lời chất vấn, về đề nghị miễn thuế GTGT 10% với hóa đơn tiền điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, việc giảm thuế để giải quyết một lĩnh vực có biến động lớn về giá là không hợp lý. Thời gian qua, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh (khoảng 200.000 tỷ đồng). Liên quan đến điện bậc thang, điện sinh hoạt đã có quy định hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách; áp dụng điện bậc thang đối với hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện.
Tranh luận lại, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói, dân bị thu tiền điện là cộng cả GTGT. Thuế là nguồn thu của Nhà nước, dân ủng hộ tiền điện thu thuế theo giá bậc thang, nhưng ĐB đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế GTGT 10% cho người tiêu thụ điện.
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện trong năm 2022 và năm 2023. Đâu là giải pháp điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Tây Ninh. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, không có chuyện bộ điều hành giá điện khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ. Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước tham mưu chính sách trong vấn đề giá điện thực hiện đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.
Giá điện là mặt hàng bình ổn, đầu vào thì EVN phải mua theo giá thị trường, nhưng đầu ra thì phải bảo đảm có sự điều hành của nhà nước để bình ổn giá, tránh lạm phát. Còn cơ chế nào để EVN không thua lỗ thì tới đây sửa Luật Điện lực sẽ góp phần xử lý vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Chính phủ vừa có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương. Điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ vận hành hệ thống điện.
Đồng thời, Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn; sắp ban hành nghị định về khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái… những biện pháp này từng bước làm thị trường điện hoàn hảo hơn.
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) chất vấn, hiện nay thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, Nhà nước không có chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, đồng thời giảm tiêu thụ nguồn điện quốc gia.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo đó, để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật.
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) chất vấn giải pháp khắc phục tình trạng bảo kê trong công tác quản lý thị trường?
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong nền kinh tế thị trường, gian lận thương mại là một đặc trưng, vừa qua đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm và thu về ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng liên quan đến hành vi vi phạm gian lận thương mại. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý.
Về việc có một số cán bộ thị trường có tính bảo kê, Bộ trưởng khẳng định điều đó là có, do tính chất của công việc này là cán bộ quản lý thị trường có thẩm quyền, có trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không. Do tính chất này nên Bộ Công thương thường xuyên luân chuyển cán bộ để tránh vi phạm, bộ sẽ tiếp tục tham mưu, bổ sung cơ chế chính sách, nhất là thanh tra, kiểm tra để xử lý các cán bộ vi phạm. Hàng chục cán bộ đã bị xử lý, chuyển công tác theo đúng quy định.