Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Theo đó, Bộ đề xuất 4 nhóm dự án đưa vào chương trình.
Nhóm 1 là các dự án có thể sớm hoàn thành giải ngân vào năm 2022 - 2023. Bộ GTVT đề nghị bố trí 9.628 tỉ đồng từ nguồn vốn của chương trình.
Đặc biệt, Bộ này đề nghị bố trí 9.427 tỉ đồng để xóa bỏ trạm thu phí và hoàn trả kinh phí đã đầu tư cho doanh nghiệp BOT đối với 7 dự án BOT và trạm thu phí không thu phí hoàn vốn được.
Cụ thể, dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL3 và đầu tư đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới sử dụng gói bổ sung nguồn vốn để hoàn trả là 3.097 tỉ đồng.
Dự án BOT xây dựng mới QL26 đoạn qua Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp một số đoạn QL26 qua 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk là 550 tỉ đồng.
Dự án BOT nâng cấp, cải tạo QL91 và QL91B, TP.Cần Thơ cần 587 tỉ đồng. Dự án BOT đầu tư cầu Thái Hà trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cần 1.466 tỉ đồng.
Dự án BOT xây dựng QL1 đoạn tránh phía đông và tránh phía tây TP.Thanh Hóa cần 741 tỉ đồng. Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148÷ Km1763+610 cần 706 tỉ đồng và dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2 cần 2.280 tỉ đồng.
Trước đó, hồi đầu năm 2021, Bộ GTVT cũng từng đề xuất sử dụng ngân sách mua lại 8 trạm thu phí BOT gặp vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không nhận được sự đồng thuận từ người dân địa phương nên chưa thể thu phí, hoặc thu phí không đúng phương án tài chính nên không thể hoàn vốn. Song đề xuất này vấp phải phản đối của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.
Đáng chú ý, đa số các dự án này đã mắc kẹt từ năm 2018 đến nay, đều rơi vào tình trạng vỡ phương án tài chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để. Điển hình như dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới của Cienco4, nhà đầu tư này đã có nhiều văn bản “cầu cứu” lên Bộ GTVT, Chính phủ, đồng thời có phương án giảm phí tối đa. Bộ GTVT nhiều lần có văn bản đề xuất gửi UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp thu phí, song chưa thể thực hiện.
Ngoài ra, nguồn vốn trong nhóm 1 cũng được Bộ GTVT đề xuất để triển khai các dự án: gồm dự án ODA (dự án WB6 kênh nối Đáy - Ninh Cơ) cần được chuyển đổi sang sử dụng nguồn trong nước (do hết hạn Hiệp định vay vốn) bổ sung vốn để hoàn thành vào cuối năm 2022. Đồng thời, thanh toán nghĩa vụ của nhà nước cho nhà đầu tư 1 dự án BOT với số tiền 41 tỉ đồng. Đây là dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL30 từ Km1+200-Km34+230 qua địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã dừng theo Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ GTVT đề xuất bố trí 305.206 tỉ đồng nguồn vốn giai đoạn 2021- 2025 cho các dự án hạ tầng giao thông, trong đó nguồn vốn đã cân đối trong kế hoạch 2021- 2025 là 115.102 tỉ đồng, gói bổ sung nguồn vốn từ gói kích thích kinh tế là 190.105 tỉ đồng.
Ngoài các dự án bố trí đến năm 2022, 2023 - 2025 và 2025, Bộ GTVT đề xuất nhóm 4 là các dự án phải chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2025 với nhu cầu 65.659 tỉ đồng từ nguồn vốn của Chương trình kích thích kinh tế, gồm:
2 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 chuyển đổi sang đầu tư công để có thể triển khai được từ năm 2023 nhưng sẽ hoàn thành vào năm 2027, do nằm trong khu vực nền đất yếu, điều kiện vật liệu khó khăn (Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau). Các dự án có tổng mức đầu tư khoảng 27.253 tỉ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn khoảng 13.627 tỉ đồng; trong đó, đã dự kiến bố trí kế hoạch 2021 - 2025 khoảng 8.431 tỉ đồng, cần bổ sung khoảng 5.196 tỉ đồng.
6 dự án đường bộ cao tốc khác (gồm 3 dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Buôn Ma Thuột - Vân Phong, An Hữu - Cao Lãnh và 2 dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 - Hà Nội) chuyển đổi sang đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 290.888 tỉ đồng...