Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan; cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế còn lớn đến từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới được thông qua, tạo khí thế mới, động lực mới.
Nước ta cơ bản kiện toàn bộ máy, hoàn thành công tác nhân sự; các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng phục hồi nhanh, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu…
Do vậy, trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất.
Theo đó, kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất kinh doanh trong quý 3/2021. Từ đó, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý 4/2021 do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm.
Bộ đã đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng; trong đó, kịch bản 1: với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm; quý 4 tăng 6,5%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm.
Kịch bản 2: với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 7%, cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm và quý 4 tăng 7,5%, cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện 9 nội dung.
Cụ thể là, phòng, chống dịch bệnh; định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế; tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch…
Về dự báo tình hình và kịch bản tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những rủi ro, thách thức đến từ các biến chủng mới của dịch COVID-19; lạm phát, giá cả có khả năng tăng cao đến hết năm 2021; nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng tại một số nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn.
Cùng với đó, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng; mùa du lịch đã qua tháng 6 trong khi mùa mưa bão đã đến...
“Nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức, đòi hỏi vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế,” Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.