Chính sách tài khóa cần tiếp tục mở rộng
Các đại biểu (ĐB) cho rằng, GDP quý 1-2023 là 3,32%, cần quyết tâm và nỗ lực thật cao thì mới đạt được mục tiêu 6,5% cho cả năm (mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%). ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) và nhiều ĐB cho rằng, phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp (DN).
Các ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay để nguồn vốn đến đúng, trúng và trực tiếp DN. Bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó DN để tránh tình trạng DN phải lao đao giải trình lên xuống. Chính phủ cũng cần rà soát, đánh giá để có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục hồi và phát triển kinh tế.
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) “hiến kế” sử dụng tồn dư ngân quỹ của Nhà nước đang gửi hệ thống ngân hàng, khoảng 1 triệu tỷ đồng, để bố trí hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp; hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động. Các ý kiến cũng đề nghị chính sách tài khóa cần tiếp tục mở rộng một cách thận trọng, theo hướng xem xét miễn, giảm thuế; mở rộng diện được giảm thuế giá trị gia tăng…
Thay ngay cán bộ không chịu làm
Bày tỏ lo lắng về tình trạng “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai”, đang lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư”, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị phân loại bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm thành 2 nhóm; ưu tiên xử lý nhóm thứ nhất (cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng).
Giải pháp cấp thiết, theo ĐB, là thay ngay những cán bộ này bằng những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Với nhóm thứ 2 (cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm), ĐB Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Nguyên nhân của hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm, theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), là có một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Không dám làm thì né tránh, đùn đẩy. “Phải rà soát tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý”, ĐB Tô Văn Tám nói.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, căn bệnh sợ sai, không dám làm không chỉ diễn ra đơn lẻ mà tồn tại ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tham mưu để ban hành các quy định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm, bảo vệ cán bộ. Bộ Nội vụ đang báo cáo Ban cán sự Chính phủ, có thể trình Quốc hội có Nghị quyết thí điểm về nội dung này.
Dừng tăng lương nhưng vốn đầu tư công “nằm tại chỗ”
Tại phiên thảo luận, ĐB Hà Ánh Phượng (Phú Thọ), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và nhiều ĐB đề nghị cần sửa đổi các quy định về phòng cháy chữa cháy; nếu không sẽ có hàng ngàn DN, cơ sở DN phải đóng cửa. Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC được biên soạn và ban hành bởi các bộ: Công an, Xây dựng, Công thương, KH-CN. Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình để PCCC cho công trình và bộ phận công trình. Hiện Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học, công nghệ xây dựng rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi, bổ sung quy chuẩn 06.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế có câu trả lời là đến chừng nào bảo đảm được vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng? Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để đảm bảo vaccine năm 2023, Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về nội dung này, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp cùng với Bộ Tài chính bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước. Hiện Bộ Y tế tổng hợp đủ nhu cầu của 63 tỉnh thành liên quan đến đề nghị mua vaccine và chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng cung cấp.
Về vấn đề tiền lương, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, chúng ta liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Sau hơn 2 năm thực hiện, dù Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt đôn đốc, nhưng vẫn còn rất nhiều vốn chưa thể phân bổ. ĐB Lưu Mai bức xúc cho rằng, trong khi chúng ta yêu cầu “thắt lưng buộc bụng”, dừng tăng lương để dành nguồn lực cho đầu tư thì tiền vốn lại bị tồn đọng, không được phát huy hiệu quả.
Thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn
Ngày 31-5, trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên hành lang Quốc hội, ĐB Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) cho rằng, để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh yêu cầu cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, các cấp, các ngành, địa phương phải được phân định rõ trách nhiệm như một kỷ luật thép để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế.
Mặt khác, các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho DN.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho DN, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Trong đó, việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới cần mở rộng ra tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm.
Đồng tình, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm thuế VAT. Cùng với đó, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm.
Gỡ “nút thắt” dòng tiền
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường sáng 31-5, trong nhiều ý kiến ĐB phát biểu tại hội trường sau đó, có thể thấy nổi lên một nghịch lý: nút thắt trong dòng tiền.
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) chỉ rõ, tồn dư ngân quỹ Nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng tới giữa tháng 5-2023 đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Luật Đầu tư công đã quy định, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, nên vốn phải chờ công trình. Ngược lại, để giải ngân được thì phải hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư và hiện vướng ở khâu này, do đó vốn lại phải chờ công trình.
Vòng lặp này đã tạo ra nghịch lý khó chấp nhận: quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển, nhưng một “gói” tiền không nhỏ có sẵn trong túi lại không tiêu được vì tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.
Dùng một luật để sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công là giải pháp được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất. Tuy nhiên, sự chậm trễ còn có nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức thực hiện, vì rõ ràng cùng thể chế như nhau, có địa phương làm tốt, có nơi không tốt.
Vấn đề đã được nêu ra tại nghị trường Quốc hội từ năm 2019, tình trạng đó kéo dài đến nay và vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.