Đáng chú ý, đại biểu (ĐB) Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) kiến nghị, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn. Điều này sẽ giúp cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cũng cho rằng, hiện nay nguồn lực giáo viên để phục vụ cho công tác giảng dạy theo chương trình mới ở nhiều địa phương còn thiếu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các địa phương có thể tự tuyển chọn giáo viên tiểu học theo tiêu chuẩn như giai đoạn trước.
Các ĐB dự phiên họp chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về các vấn đề kinh tế, nhiều ĐB tiếp tục bày tỏ lo ngại về các tác động bất lợi, khó khăn cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm. ĐB Hà Ánh Phượng cho rằng, tăng trưởng những tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chững lại, gây áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Trong đó, một trong những nguyên nhân là chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội thực hiện chưa tốt, nhất là chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
ĐB đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục hồi và phát triển kinh tế.
ĐB Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) thảo luận tại hội trường chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cũng theo ĐB Hà Ánh Phượng, nhiều doanh nghiệp tại Phú Thọ phản ánh thực hiện Thông tư của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình đã khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhưng việc triển khai rất chậm, các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành, không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở doanh nghiệp phải đóng cửa.
ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt giải ngân đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình giao thông trọng điểm. Hiện nay, tại các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, tiến độ giải phóng mặt bằng không đồng đều ảnh hưởng đến thi công, khó có thể giải ngân theo kế hoạch.
“Cần khắc phục tình trạng vốn chờ công trình. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công bị chậm giải ngân”, ĐB đề nghị, đồng thời cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đăng kiểm. Cùng với đó, tập trung giải quyết các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm, giãn, thuế, phí cho doanh nghiệp để khuyến khích họ quay trở lại hoạt động.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thảo luận tại hội trường chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về việc triển khai các dự án giao thông, ĐB Phạm Văn Hòa nêu, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nhiều tuyến đường dễ làm, lưu lượng cao thì đầu tư công, trong khi những dự án vùng khó khăn thì lại kêu gọi nhà đầu tư. ĐB cũng cho rằng, với các dự án cao tốc nhất định phải làm 4 làn, có làn dừng xe khẩn cấp, không nên làm 2 làn gây lãng phí.
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) thảo luận tại hội trường chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo thị trường cả trong và ngoài nước, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng.
“Ngay trong lĩnh vực du lịch, tôi nghe được phản ánh là phí thị thực của ta khá cao, có khi bằng 30-40% giá vé máy bay khứ hồi của du khách, cần phải xem xét lại để làm sao cho dịch vụ du lịch sớm phục hồi tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước”, ĐB dẫn chứng.
Theo ĐB, làm sao đảm bảo tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp thế nào đi nữa cũng không để xảy ra tình trạng “vượt quá khả năng dự báo”. Hạn chế tối đa những bất cập trong phân tích, dự báo tình hình, trong đề xuất và triển khai thực hiện các kế hoạch trong ngắn hạn cũng như dài hạn, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và phản ứng trước các cú sốc từ bên ngoài…
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, phải lấy tinh thần phục vụ doanh nghiệp làm trọng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận nhất cho họ.