Chiều 29-8, tiếp tục phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Vũ Đại Thắng đại diện cơ quan soạn thảo dự luật cho biết, ban đầu, Chính phủ dự định làm luật sửa cả 2 luật: Đầu tư và Doanh nghiệp, nhưng do mức độ sửa đổi quá lớn (sửa 30 điều, bổ sung 4 điều trong số 76 điều của Luật Đầu tư; và sửa đổi 60 điều, bổ sung 1 chương và 8 điều, bãi bỏ 2 điều trong tổng số 213 điều của Luật Doanh nghiệp), nên Chính phủ đã đề nghị cho phép tách thành 2 luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Vũ Đại Thắng, một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Các ngành nghề được bỏ ra khỏi danh mục gồm: hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); nhượng quyền thương mại; kinh doanh logistic; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng.
Riêng ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng bổ sung vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, có 6 ngành, nghề mới được bổ sung vào danh mục kinh doanh có điều kiện, bao gồm: kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu; đăng kiểm tàu cá; đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá và kinh doanh dịch vụ kiến trúc.
Như vậy, tại dự thảo luật mới nhất này, Việt Nam sẽ còn 236 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Việt Nam cũng tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy, hóa chất, khoáng vật và động thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế; tuy nhiên bãi bỏ các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư, giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định pháp luật và điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.
Sẽ có 2 danh mục, bao gồm: ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị tường; và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.
Ngoài 2 danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước. Căn cứ vào điều kiện trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ công bố danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, dự thảo luật mới sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm được 168,4 tỷ đồng chi phí tuân thủ hàng năm.