Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6-4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi).
Vẫn giữ, nhưng cần tính lộ trình đóng quỹ xăng dầu
Đồng ý giữ lại quỹ bình ổn xăng dầu, ĐB Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp nhận xét, vừa qua, khi thị trường biến động thì quỹ này đã được sử dụng một cách có hiệu quả, góp phần hạn chế giá xăng dầu tăng quá cao. Nhưng quỹ này hiện giao doanh nghiệp quản lý là không hợp lý, cần giao về Bộ Tài chính.
“Tiền đóng góp vào quỹ là tiền của dân, để cho doanh nghiệp quản lý, dùng số tiền này vào mục đích khác là không công bằng với người dân đã tham gia đóng góp vào quỹ”, ông nói. Tuy nhiên, theo ĐB, trong một nền kinh tế thị trường thì không nên duy trì mãi quỹ này, Chính phủ cần xác định lộ trình tồn tại của quỹ.
ĐB Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Đồng Tháp |
Về định giá, nhất là những hàng hóa, dịch vụ liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân cũng Bộ Tài chính cũng không thể đứng ngoài, giao phó cả cho bộ chuyên ngành, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh và nêu ví dụ về việc xác định giá đất đai, giá kit test hay giá sách giáo khoa… vừa qua.
Riêng về giá trần dịch vụ hàng không nội địa, ĐB cho rằng cần tính cả giá tối thiểu, giá tối đa. “Hiện có tình trạng giá 0 đồng trên thị trường hàng không, thực chất là cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không. Cần quy định cả giá trần và giá sàn”, ông nói.
Qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, thổi giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế - ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết. ĐB cho rằng, tình trạng trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ lỗ hổng trong Luật Giá hiện hành.
ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị quy định chặt chẽ hơn nữa về nghĩa vụ, trách nhiệm của thẩm định viên. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh |
ĐB cho rằng, để bảo vệ cán bộ, tránh trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm, cần quy định thẩm định viên bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá, chứ không phải chỉ báo cáo “khi có yêu cầu”, để đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng, thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.
Kiên trì bám sát chủ đề giá dịch vụ, thuốc và vật tư y tế, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thẳng thắn bình luận: “Quy định liên quan giá dịch vụ y tế hoặc rất mờ ảo hoặc gần như không có (trong dự luật - PV). Giá là vấn đề phức tạp nhất, dễ phát sinh tiêu cực nhất. Trên thực tế, ai đã làm đấu thấu thì biết, giá là đích đến cuối cùng của mọi cuộc thương thảo”.
Nếu không có luật thì mọi thiệt thòi bệnh nhân sẽ phải chịu. Vừa qua sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã tháo gỡ nhiều vấn đề, tuy nhiên vấn đề còn lại chủ yếu là giá. Rất nhiều lần quá trình soạn thảo bị vướng, ta đề cập đi hỏi thì chúng ta nói sẽ sửa Luật Đấu thầu và luật Giá. Luật Đấu thầu hôm qua sửa khá tốt nhưng Luật Giá không được đề cập gì cả”, ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Theo ĐB, giá dịch vụ y tế rất phức tạp, rất nhiều hạng mục, chủng loại. Ví dụ giá của tự chủ, không tự chủ; giá của xã hội hóa, không xã hội hóa; giá dịch vụ thầy thuốc là bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư khác nhau; giá dịch vụ của bác sĩ trong nước, nước ngoài khác nhau...; đó là chưa kể giá dịch vụ y tế từ xa cũng khác với trực tiếp.
ĐB đề nghị Luật Giá cần có một số điều đề cập đến giá dịch vụ y tế để làm cơ sở xây dựng thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế sau này.
Tiếp tục nghiên cứu về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc trong quản lý giá và cho biết trong quá trình các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng phương pháp định giá chung đều có ý kiến góp ý của Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
“Bộ Tài chính được phân định thẩm quyền ban hành chuẩn mực giá, hướng dẫn về phương pháp định giá chung và thanh tra, kiểm tra. Còn lại các hàng hóa chuyên ngành phân về cho các bộ ngành quản lý. Ví dụ như giá điện giao Bộ Công thương; giá thiết bị y tế, thuốc giao Bộ Y tế; giá về giáo dục giao Bộ GD-ĐT; giá về khoa học công nghệ giao Bộ KH-CN và ở địa phương thì phân cấp cho UBND cấp tỉnh”, người đứng đầu ngành Tài chính giải thích.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của ĐB liên quan đến các khái niệm, các điều cấm, thêm các giải pháp bình ổn giá xăng dầu; hội đồng thẩm định giá, trách nhiệm của hội đồng thẩm định giá, thẩm định giá viên; dữ liệu về giá.