Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng.
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tập trung chủ yếu trong tháng 1-2022, và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4, cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55,9 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 3 là 48,8 nghìn tỷ đồng, tháng 4 là 30,6 nghìn tỷ đồng.
Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44,2 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng.
Thị trường TPDN, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, trong quý I-2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, khối lượng mua lại trước hạn trong quý II-2022 khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Thêm vào đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.
Khác với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép.
Do đó, nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, thời gian qua thị trường này đã phát triển để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có 5 công điện chỉ đạo về tăng cường giám sát hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các chỉ đạo về kiểm tra, siết chặt quản lý giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán thực hiện tư vấn phát hành, các tổ chức kiểm toán, định giá tài sản.