Bộ trưởng Tô Lâm: 'Không giảm biên chế cảnh sát khu vực'

(ĐTTCO) - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an không có chủ trương giảm biên chế cảnh sát khu vực, mà ngược lại còn tăng cường hơn, nhất là những địa bàn trọng điểm.

Sáng 7-11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) cho rằng, với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay thì lực lượng cảnh sát khu vực được sắp xếp theo khu phố, tổ dân phố, như vậy sẽ quản lý hộ dân tăng nhiều hơn so với hiện tại.

Với tình hình an ninh trật tự phức tạp nhưng những thành phố đông dân như TPHCM cũng bị cắt giảm biên chế cơ học đối với cảnh sát khu vực như các ngành khác, vậy cách nào để cảnh sát khu vực có thể thực hiện đảm bảo nhiệm vụ của mình là bám sát địa bàn dân cư, giữ mối liên hệ với nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) chất vấn sáng 7-11. Ảnh QUANG PHÚC

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) chất vấn sáng 7-11. Ảnh QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay Bộ Công an điều động trên 50.000 công an chính quy xuống cấp cơ sở; 500 cán bộ ở Bộ Công an về các xã biên giới. Nhiệm vụ của cảnh sát khu vực cũng là một phần nhiệm vụ của công an phường xã. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, khối lượng công việc cơ sở rất lớn, công an xã chính quy, cảnh sát khu vực "có hơn 100 đầu việc phải làm".

Bộ Công an không có chủ trương giảm biên chế, mà ngược lại còn tăng cường hơn, nhất là những địa bàn trọng điểm. Bộ Công an cũng tăng cường sử dụng công nghệ để kết nối, liên hệ, tương tác với dân, hiện cảnh sát khu vực đang thực hiện rất tốt điều này. Bộ trưởng khẳng định thêm là không giảm biên chế cảnh sát khu vực.

Tranh luận lại, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng, sau sắp xếp, việc giảm số lượng cảnh sát khu vực là chưa phù hợp với một số địa bàn, nhất là địa bàn có đông dân cư như TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB lấy ví dụ tại địa bàn tại quận 1, TPHCM, sau sắp xếp đơn vị hành chính, từ 122 cảnh sát khu vực quản lý cho 239.000 dân hiện chỉ còn 98 khu phố và như vậy sẽ còn 98 cảnh sát khu vực. Trong khi đó, riêng đội hành chính mỗi một ngày phải nhập liệu đăng ký khách du lịch ngoại quốc khoảng 5.000 người. Điều này cho thấy, các giải pháp Bộ trưởng đưa ra cũng có hiệu quả một phần, nhưng không thể phủ nhận vai trò của cảnh sát khu vực, bởi họ nắm sát địa bàn, giữ mối liên hệ với nhân dân.

Việc tăng cường quản lý bằng điện tử, bằng camera nhưng, một cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân, suốt ngày chỉ cần ngồi xem camera, thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân, thời gian đâu bám sát được địa bàn, thời gian đâu để chính người cảnh sát đó tái tạo sức lao động.

ĐB mong muốn Bộ trưởng phối hợp với các ngành đánh giá vai trò của cảnh sát khu vực, cũng như lực lượng an ninh ở cơ sở.

Trả lời, Bộ trưởng cho biết, theo quy định 500 dân là có 1 cảnh sát khu vực, nhưng thực tế hiện dân cư tăng quá nhanh, nhất là ở TPHCM, nên biên chế công an đang thiếu. Ví dụ ở một xã ở TPHCM có trên 120.000 dân, nên biên chế cảnh sát khu vực không đủ.

Vì vậy, ngành công an phải phân cấp cho cơ sở. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin để cảnh sát khu vực gắn bó với dân, thực thi công việc, ví dụ nhận tin tố giác, tin báo của người dân qua điện thoại, qua mạng điện tử… Điều đó cũng góp phần giảm áp lực công việc cho cảnh sát khu vực, tăng cường hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, người dân di dân tự phát tại Tây Nguyên là người có nguồn gốc người Việt Nam chưa được xác định quốc tịch Việt Nam, họ đang sinh sống tại đất rừng tự nhiên hơn 20 năm.

Đến nay, những người này không có giấy tờ về đất đai, giấy tờ tùy thân. ĐB đề nghị Chính phủ, Bộ Công an giải quyết căn cơ về vấn đề pháp lý để dứt điểm tình trạng trên trong thời gian tới, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, ở các tỉnh miền núi ngày càng tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn sáng 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn sáng 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, hiện nay Bộ Công an đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trên toàn quốc, đặc biệt là xác định hộ khẩu cùng một số hoạt động để tiếp tục cấp cho công dân các giấy tờ, đặc biệt là căn cước. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trường hợp con lai, người không có quốc tịch hoặc người từ trước đến giờ chưa có một loại giấy tờ gì thì cần chúng ta phải có cơ sở xác định để đánh giá.

Riêng tình hình dân cư di cư vào Tây Nguyên rất lớn, vấn đề người dân di dân ở Tây Nguyên liên quan đến việc đất ở hợp pháp. Vì chưa có chỗ ở hợp pháp nên chưa được cấp hộ khẩu.

Để giải quyết vấn đề này phải có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các cơ quan, các ngành, để cùng xác định được vấn đề chỗ ở, giải quyết được vấn đề căn cơ về đất đai. Điều này đã tồn tại từ lâu và cơ quan quản lý đang tiếp tục có giải pháp giải quyết.

Trả lời chất vấn liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng. “Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân”, Bộ Trưởng Tô Lâm cho hay.

Bộ Trưởng Tô Lâm cho biết, ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay cũng chưa cao, khi mà người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác.

Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xin cho ý kiến. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đặc biệt, xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong luật và nghị định này...

Các tin khác