Sáng 23-8, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức lễ bàn giao đội ngũ y, bác sĩ và 30 xe cứu thương cho Sở Y tế. Nhân lực, tài lực này được Bộ Quốc phòng tăng cường và ủy quyền cho Bộ Tư lệnh TPHCM triển khai bàn giao để TPHCM thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Buổi bàn giao có sự tham dự của Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần - Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM và ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, TPHCM trải qua hơn 3 tháng phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4. Thời gian qua, các cấp, các ngành của TPHCM đã tăng sức chiến đấu trên tất cả các mặt trận. Trong đó có lực lượng vũ trang TPHCM và Sở Y tế TPHCM tập trung nhân lực, tài lực cùng với TPHCM kiểm soát, khống chế dịch.
Từ ngày 23-8, TPHCM tăng cường thực hiện 5 nhóm giải pháp để kiểm soát, không chế dịch Covid-19 từ nay đến ngày 15-9. Nhằm thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp này, Bộ Tư lệnh TPHCM luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc từ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và đặc biệt là sự hỗ trợ từ các tỉnh thành, đơn vị bạn và nhân dân trong cả nước luôn dành những tình cảm sâu sắc hướng về miền Nam ruột thịt.
Trong tình hình hiện nay, tỷ lệ mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM có giảm nhưng tỷ lệ F0 phát hiện trong cộng đồng và số F0 có triệu chứng nặng còn ở mức cao. Do vậy, sức ép cho các tuyến y tế còn hết sức nặng nề. Đội ngũ y bác sĩ luôn là lực lượng xung kích đi đầu chống dịch. Trong những “chiến binh áo trắng” không chỉ có đội ngũ y bác sĩ đang công tác mà còn có y bác sĩ đã nghỉ hưu. Tất cả không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để tình nguyện cùng với lớp trẻ ngày đêm tham gia trên tuyến đầu chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức lễ bàn giao nhân lực cùng với 30 xe cứu thương do Bộ Quốc phòng tăng cường, để bàn giao cho Sở Y tế TPHCM thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó góp phần hỗ trợ Sở Y tế TPHCM chủ động hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch, hướng tới mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch Covid-19 sớm nhất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Đại tá Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM nhấn mạnh, trong thời gian tới, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của TPHCM anh hùng, các cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang luôn đoàn kết, đồng lòng, kề vai sát cánh thực hiện đồng bộ, toàn diện, quyết liệt các chủ trương, giải pháp sáng tạo quyết tâm kiểm soát, khống chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19.
Thay mặt đội ngũ y, bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia chống dịch, Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Nga, nguyên cán bộ quân y Bộ Tư lệnh TPHCM bày tỏ xúc động khi những “chiến binh áo trắng” luôn là lực lượng xung kích đi đầu trên tuyến đầu chống dịch, tại các khu cách ly, các điểm lấy mẫu xét nghiệm, giữa vòng nguy hiểm của “tâm dịch” nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Đội ngũ y, bác sĩ vẫn luôn phát huy trách nhiệm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để sát cánh cùng nhân dân "đánh giặc" Covid-19. Không chỉ tình nguyện ngày đêm truy vết lấy mẫu, những “chiến binh áo trắng” còn thầm lặng ngày đêm phân luồng, cách lỵ, xét nghiệm, khám bệnh và điều trị chăm sóc cho những người bệnh đang điều trị. Họ đã thực sự quên mình để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.
Hình ảnh những người thầy thuốc sẵn sàng quên mình chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về virus... đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sự cảm phục trong lòng người dân. Những “chiến binh áo trắng" đã phát huy truyền thống y đức, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của ngành y tế. Đồng thời, góp phần thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin trong cộng đồng xã hội; tạo lên sức mạnh tổng hợp để góp phần cùng với chính quyền và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.
“Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những người công tác trong ngành y đã nghỉ hưu nhưng chúng tôi vẫn phát huy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “lương y như từ mẫu”, tinh thần của người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” phát huy hết tinh thần trách nhiệm góp sức cùng địa phương tham gia các hoạt động trong việc truy vết, sàng lọc, xét nghiệm và chăm sóc y tế cho nhân dân trên địa bàn. Chủ động đến từng nhà dân để thăm hỏi động viên, hướng dẫn những trường hợp nhiễm F0 cách lỵ, điều trị tại nhà để góp phần giảm tải các khu điều trị, từng bước thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh" các khu vực trên địa bàn thành phố”, Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Nga nhấn mạnh.