Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, Hội nghề nghiệp và các ý kiến góp ý, để hoàn thành các nhiệm vụ quy hoạch.
Cụ thể, với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, cần làm rõ hơn sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung theo 4 nhóm vấn đề.
Đó là vai trò, vị trí và tính chất của TP trong vùng TPHCM; chiến lược mới phát triển kinh tế xã hội, như phát triển đô thị thông minh trên cơ sở chuyển đổi số; dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; trung tâm tài chính quốc tế.
Sự hình thành các dự án trọng điểm cấp vùng và quốc gia có tác động đến không gian đô thị thời gian qua. Bộ cho rằng các định hướng theo Quyết định 24/QĐ-TTg cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Lưu ý tác động của biến đổi khí hậu phát triển không gian đô thị, cần có giải pháp thích ứng phù hợp trong thời kỳ mới.
Về phạm vi, ranh giới lập quy hoạch, cần rà soát phạm vi lập quy hoạch, để phù hợp, thống nhất với quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ (tại khu vực biển Cần Giờ).
Về hiện trạng đô thị, yêu cầu làm rõ thêm các đặc điểm tự nhiên, hệ thống sông nước, khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ và các hiện trạng kinh tế - xã hội của TPHCM. Các quy hoạch và dự án đang triển khai; các hạn chế vướng mắc trong thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời làm rõ các vấn đề về kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng phòng cháy chữa cháy, môi trường đô thị.
Ngoài ra, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM cần bổ sung các yêu cầu về phân tích động lực, mô hình phát triển đô thị trong thời gian tới. Công tác dự báo về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, hạ tầng và tác động của điều kiện tự nhiên đến TP. Khai thác điều kiện tự nhiên sông nước, định hướng phát triển không gian, hệ thống trung tâm, không gian ngầm, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, sử dụng đất đối với khu vực đô thị trung tâm; nội dung thiết kế đô thị.
Đồng thời, cần quan tâm gắn kết giữa giao thông công cộng với sử dụng đất, để khai thác hiệu quả đất đai, khai thác hệ thống hạ tầng giao thông, để mở rộng không gian phát triển đô thị, khu chức năng. Cũng như làm rõ mối quan hệ không gian giữa TPHCM với TP Thủ Đức, với các đô thị thuộc vùng TPHCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển trong vùng và đảm bảo sự phù hợp với các quy hoach ngành quốc gia.
Đối với quy hoạch chung TP Thủ Đức, Bộ Xây dựng đề nghị xác định thời hạn quy hoạch đến năm 2040, không xác định tầm nhìn quy hoạch.
Về nội dung nghiên cứu, cần bổ sung các yêu cầu về thu thập tài liệu, số liệu; rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí cần bổ sung, để hoàn thiện theo chất lượng đô thị 1.
Rà soát đánh giá hiện trạng kinh tế xã hội, các dự án đang triển khai; sử dụng đất, gắn kết giao thông công cộng để khai thác hiệu quả quỹ đất trong phát triển đô thị và khu chức năng; phân tích động lực phát triển đô thị; dự báo về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, hạ tầng và tác động của điều kiện tự nhiên đến TP.
Yêu cầu khai thác điều kiện tự nhiên sông nước TP Thủ Đức, để định hướng quy hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm mối quan hệ không gian giữa TPHCM với TP Thủ Đức và liên kết các đô thị lân cận tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.