‘Bốc hơi’ mạnh hơn VN Index, DGC đang gặp vấn đề gì?

(ĐTTCO) - Bị nhà đầu tư bán tháo và lao dốc mạnh từ đầu tháng 2, DGC đã ‘bốc hơi’ 18%, so với mức giảm chỉ hơn 6% của VN Index. Vậy điều gì đang xảy ra với doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt như DGC?
‘Bốc hơi’ mạnh hơn VN Index, DGC đang gặp vấn đề gì?

Rơi nhanh từ đỉnh

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng (P4), axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin).

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 5-2022 đến tháng 1 năm nay, việc Trung Quốc duy trì chính sách zero-covid đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bán dẫn suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ P4 của DGC.

Do đó, kết quả kinh doanh theo quý của DGC cũng tụt giảm nhanh sau khi tạo đạt đỉnh vào quý I-2022. Cụ thể, trong quý IV-2022, DGC báo lãi quý 1.032 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong 5 quý, tính từ quý III-2021. Đặc biệt, nếu so với đỉnh vào quý II-2022, lợi nhuận sau thuế của DGC đã giảm liên tục trong 2 quý và để mất 42,1% so với mức đỉnh.

Đây là nguyên nhân khiến cho HĐQT DGC đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế quý I năm nay chỉ ở mức 700 tỷ đồng, tiếp tục giảm 32,1% so với mức quý trước.

Kỳ vọng kém khả quan do suy thoái kinh tế

Theo giới phân tích, DGC là doanh nghiệp có bảng cân đối vững mạnh. Cuối năm 2022, doanh nghiệp này chỉ còn duy nhất 467 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, giảm 45,5% so với mức đầu năm.

Trong khi đó lượng tiền và tiền gửi của DGC đã tăng mạnh lên hơn 9.000 tỷ đồng gấp 2,4 lần so với mức đầu năm. Những con số thống kê này cho thấy DGC là doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô như: lãi suất tăng, thiếu hụt thanh khoản…

Dù được đánh giá cao nhưng kể từ đầu tháng 2 đến nay, DGC bất ngờ bị NĐT bán tháo và giảm hơn 18%, trong khi VN Index chỉ giảm 6%. Theo ước tính của CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS), mức giá hiện tại là hơn 50.000 đồng của DGC chỉ tương đương với VN Index ở điểm số 900 điểm.

Việc NĐT đua nhau “xả hàng” ngoài yếu tố chính đến từ sự sụt giảm về lợi nhuận đang diễn ra và xa hơn là những rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Trong báo cáo mới đây, BVSC nêu quan điểm quan ngại về những thách thức mà DGC phải đối mặt trong 2023 khiến kết quả kinh doanh khó bứt phát mạnh mẽ.

Đầu tiên là mảng phốt pho vàng (đóng góp hơn 50% tổng doanh thu) có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong 2023. DGC dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500-6.000 USD/tấn, giảm 10-30% so với 2022.

Yếu tố thứ 2 là dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch.

Cuối cùng là giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm. Nguyên nhân là nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng, giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm, trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng.

Có khuất tất trong thương vụ thâu tóm TSB?

Ngoài lo lắng về triển vọng trong dài hạn, việc NĐT không còn “mặn mà” với DGC còn xuất phát từ những nghi ngại về thương vụ mua lại 51% cổ phần CTCP Ắc quy Tia Sáng (TSB). Cụ thể, DGC vừa hoàn tất mua lại hơn 3,4 triệu CP TSB trong phiên giao dịch ngày 21-3.

Điều đáng nói là phần lớn số CP này được mua lại từ bà Bùi Thị Hà Thu, vợ ông Đào Hữu Duy Anh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DGC. Ông Duy Anh cũng là con trai của ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT.

Thông tin DGC gom CP TSB giúp mã CP này tăng mạnh từ mức giá 17.000 đồng thời điểm cuối năm 2022 lên giá đỉnh gần 47.000 đồng. Tuy giao dịch ở mức khá cao nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của TSB lại không mấy nổi bật với lợi nhuận năm 2022 chỉ vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng (giàm 25%).

Các tin khác