Điều tra qua thư bạn đọc

Bồi thường dựa vào sổ hồng đã thu hồi?

Một ngôi nhà được xây trên đất vắng chủ, sau đó ký hợp đồng mua bán và được cơ quan chức năng cấp sổ hồng cho chủ sở hữu kèm theo điều kiện: “phần diện tích chiếm lộ giới khi giải tỏa sẽ được đền bù theo phương thức bảo tồn vốn bằng vàng 9999 hiệu SJC…”. Tuy nhiên sau đó sổ hồng này được thu hồi để cấp sổ hồng mới và điều kiện kèm theo cũng không còn. Nhưng khi căn nhà bị giải tỏa, cơ quan chức năng lại áp dụng điều kiện cũ.

Một ngôi nhà được xây trên đất vắng chủ, sau đó ký hợp đồng mua bán và được cơ quan chức năng cấp sổ hồng cho chủ sở hữu kèm theo điều kiện: “phần diện tích chiếm lộ giới khi giải tỏa sẽ được đền bù theo phương thức bảo tồn vốn bằng vàng 9999 hiệu SJC…”. Tuy nhiên sau đó sổ hồng này được thu hồi để cấp sổ hồng mới và điều kiện kèm theo cũng không còn. Nhưng khi căn nhà bị giải tỏa, cơ quan chức năng lại áp dụng điều kiện cũ.

 

Năm 1977, ông Lê Minh Hồng xây một ngôi nhà trên nền đất của một người Ấn Độ bỏ về nước tại phường 20, quận Tân Bình (nay là 142 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM - ảnh).

Năm 1987, UBND quận Tân Bình ra quyết định “tạm hợp thức hóa”  và bàn giao nhà cho ông Hồng. Nhưng cũng từ năm 1987, Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình buộc ông Hồng phải ký hợp đồng thuê căn nhà trên.

Đến tháng 10-2001, Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình bán căn nhà trên cho ông Hồng và tháng 12-2001 UBND TPHCM cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (số 29395) căn nhà nói trên với tổng diện tích đất ở là 85,6m2.

Rắm rối là trong giấy chủ quyền có một phần đất nằm trong lộ giới đường Lũy Bán Bích, diện tích 48,69m2, nêu ghi chú: Phần diện tích chiếm lộ giới khi giải tỏa sẽ được đền bù theo phương thức bảo toàn vốn bằng vàng 9999 hiệu SJC, căn cứ giá chuẩn tại thời điểm mua bán nhà ở. Theo phụ lục hợp đồng giá vàng tại thời điểm 16-10-2001 là 514.000 đồng/chỉ.

Năm 2004, mở rộng nút giao thông Lũy Bán Bích, căn nhà nói trên bị giải tỏa một phần với diện tích 8,94m2. Đến ngày 4-11-2008, căn nhà trên của ông Hồng được UBND quận Tân Phú cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 7237/2008/UB.GCN, với diện tích khuôn viên được công nhận 75,16m2, nhưng không thể hiện ghi chú việc đền bù phần diện tích nằm trong lộ giới bằng phương thức bảo toàn vốn bằng vàng như giấy chứng nhận cũ số 29395.

Năm 2009, UBND quận Tân Phú thực hiện dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích, căn nhà 142 Lũy Bán Bích tiếp tục bị giải tỏa 11,77m2 và được UBND quận ban hành quyết định bồi thường theo phương thức bảo toàn vốn bằng vàng 9999 với số tiền hơn 3,6 triệu đồng/m2, cộng với các khoản khác như bồi thường kiến trúc, nhà trên đất, hỗ trợ khác với tổng số tiền 157,2 triệu đồng. 

Rắc rối bắt đầu khi cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ trên không có cơ sở pháp lý, ông Hồng đã nhiều lần kiến nghị UBND quận Tân Phú và UBND TPHCM yêu cầu được bồi thường theo giá thị trường 62,5 triệu đồng/m2 đất bị giải tỏa và một số hạng mục khác…

Tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn giữ nguyên quan điểm cách tính bồi thường cũ. Ông Hồng cho rằng, ông đã ký hợp đồng mua nhà với cơ quan nhà nước và đã được xác lập quyền sở hữu.

Hơn nữa các điều khoản quy định về hình thức “bảo toàn vốn” khi diện tích đất nằm trong lộ giới bị giải tỏa trong giấy chứng nhận mới không có. UBND quận Tân Phú áp dụng như vậy là không có cơ sở pháp lý. Mới đây, ông Hồng đã nộp đơn kiện vụ việc đến Tòa án quận Tân Phú và đã được thụ lý.

Trao đổi với ĐTTC, ông Phan Tấn Lực, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho rằng cơ sở để quận ban hành đơn giá bồi thường là căn cứ vào các phụ lục hợp đồng mua bán đối với căn nhà trên. Tuy nhiên, hiện nay vụ việc đã được tòa án thụ lý vì vậy phải chờ phán quyết của tòa.

Các tin khác