Câu chuyện đầu xuân

Bớt rượu bia, năng đọc sách

(ĐTTCO) - Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng giá trị tài sản của 1 con người không chỉ bao gồm tài sản tài chính  mà còn gồm các loại tài sản khác như sức khỏe, kiến thức, bằng cấp, sự tôn trọng… Khi giá trị của một trong các loại tài sản này giảm giá cũng làm tổng giá trị tài sản của người đó bị sa sút.

(ĐTTCO) - Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng giá trị tài sản của 1 con người không chỉ bao gồm tài sản tài chính  mà còn gồm các loại tài sản khác như sức khỏe, kiến thức, bằng cấp, sự tôn trọng… Khi giá trị của một trong các loại tài sản này giảm giá cũng làm tổng giá trị tài sản của người đó bị sa sút.

Giảm rượu bia, giữ sức khỏe

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam nằm trong danh sách 25 nước uống bia nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 châu Á và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 ở Đông Nam Á. Trong năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 30 thương hiệu bia trong và ngoài nước, với hơn 400 nhà máy sản xuất bia.

Hiện nay, nhiều người dân vẫn coi việc sử dụng rượu bia giống như một phương tiện để giao tiếp trong hoạt động kinh doanh, giải trí. Văn hóa rượu bia trở thành phong trào, mọi người thấy thoải mái là uống. Thêm nữa, quy định về việc cấm rượu bia chưa nghiêm nên tỷ lệ tiêu thụ bia rượu rất cao. Nhận thức của người dân vẫn nặng về tiêu dùng. Người dân sử dụng bia rượu nhiều sẽ khiến năng suất lao động giảm, vì mất thời gian ngồi uống bia rượu. Đặc biệt, thói quen uống bia rượu làm người ta lười suy nghĩ, ảo tưởng. Phí tổn kinh tế do đồ uống có cồn từ 1,3-12% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do đồ uống có cồn thường cao hơn so với chi phí trực tiếp. Rượu bia có chất gây nghiện, do vậy, khi uống nhiều sẽ tác động đến thần kinh. Phản xạ thần kinh không chuẩn mực khi tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm. Đấy cũng chính là một trong nhiều lý do khiến hàng năm có khoảng 9.000 người tử vong vì giao thông, trong đó 60% các vụ tai nạn có liên quan đến rượu bia.

Ở một góc độ khác, uống rượu bia nhiều sẽ làm giảm tuổi thọ của người dân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có cồn là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên thế giới, là nguyên nhân của 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trở thành vấn đề lớn của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện có 30 bệnh do nguyên nhân trực tiếp là sử dụng đồ uống có cồn và 200 loại bệnh tật, chấn thương có nguyên nhân gián tiếp từ việc sử dụng đồ uống có cồn. Bên cạnh đó, khoa học đã xác định có mối liên quan giữa lượng đồ uống có cồn và mức độ tâm thần, rối loạn hành vi. Đặc biệt, rượu bia khi vào cơ thể chỉ 2-8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận, đặc biệt là gan. Ngoài ra, có nhiều người nghiện bia rượu đến nỗi thay đổi dần tính tình, mất dần các thói quen tốt, trở nên ích kỷ, tàn ác, nhỏ nhen, sống thiếu trách nhiệm với gia đình.

Do đó, WHO đã khuyến cáo rằng để giữ sức khỏe và tăng tài sản của cá nhân, nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày (mỗi đơn vị tương đương với 1 ly bia hơi, 2/3 chai hoặc lon bia, 1 ly 100ml vang hoặc 1 chén 30ml rượu mạnh 40 độ). Trong khi đó, ở Việt Nam 90% nam giới sử dụng rượu bia và 25% trong số đó sử dụng quá 5 đơn vị rượu bia mỗi ngày, gấp 2,5 lần ngưỡng cho phép. Đáng báo động là tỷ lệ sử dụng bia rượu ở tuổi vị thành niên đang tăng nhanh. Vì vậy, ngoài chính sách thuế, Việt Nam nên đưa ra những giải pháp đồng bộ khác tương tự một số nước đã thực hiện, như cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi, những cửa hàng muốn bán bia phải có giấy phép. Nếu nơi nào vi phạm các quy định trên phải phạt thật nặng.

Đọc sách để tăng giá trị

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, bình quân mỗi năm 1 người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách. Cách đây 10 năm, theo thống kê ngành văn hóa của Malaysia, 1 người dân nước này đọc bình quân 2 cuốn sách/năm và con số này tăng đều hàng năm. Tại các nước châu Âu, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Tại Việt Nam, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm 44%, người đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số. Người Việt chưa có thói quen đọc sách, trong sinh hoạt và dùng sách như một công cụ để tìm kiếm thông tin, biến thông tin đó thành sản phẩm hoặc dùng nó phục vụ cuộc sống. Nhiều người Việt vẫn còn quan niệm rằng “không đọc sách vẫn sống như thường”, hay “đọc sách đâu có ra tiền”.

Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc làm cho nhiều người xa dần thói quen đọc sách. Ít người biết rằng đọc sách có 6 tác dụng rất tuyệt vời giúp chúng ta ngày càng tạo ra giá trị gia tăng cho tổng tài sản cá nhân: kích thích tinh thần làm việc; trau dồi kiến thức; củng cố vốn từ và cách hành văn; tăng cường khả năng tư duy, phân tích, sáng tạo; cải thiện khả năng tập trung và hoàn thiện nhân cách.

Tác giả Steve Siebold của cuốn sách “How Rich People Think” (Người giàu nghĩ như thế nào) cho biết bước vào ngôi nhà của một người giàu có bạn thường thấy họ có một thư viện tại gia khá đồ sộ, đó không phải là một không gian chỉ để trưng bày, khoe mẽ mà thực sự là nơi để họ tìm đến khi có thời gian rảnh rỗi, để tự giáo dục mình, nâng cao tầm hiểu biết và từ đó biết cách làm thế nào để trở nên thành công hơn. Trong khi đó, những người bình thường - hoặc lười đọc sách hoặc thường lựa chọn những gì dễ đọc và có tính giải trí cao.

Người Việt uống bia nhiều hơn đọc sách.

 Người Việt uống bia nhiều hơn đọc sách.

Còn theo tác giả Thomas Corley của cuốn “Rich Habits: The Daily Success Habits Of Wealthy Individuals” (tạm dịch: Những thói quen giàu có - Những thói quen thường ngày của người giàu), 67% người giàu mỗi ngày chỉ xem tivi trong khoảng 1 giờ hoặc ít hơn. Và ưu tiên khi xem truyền hình của người giàu là những chương trình bản tin, thời sự, phân tích… giúp họ gia tăng kiến thức và sự hiểu biết, họ không dành thời gian để xem truyền hình thực tế, trong khi phần đông người thường lại dành nhiều thời gian để xem những chương trình có tính giải trí cao. Người giàu cũng không dành nhiều thời gian và tiền bạc vào hoạt động học tập hàn lâm tại nhà trường hay các đại học, nhưng họ đánh giá rất cao sức mạnh và tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn luyện sau khi đã rời nhà trường.

Để người dân quan tâm đến sách, ngành văn hóa và giáo dục cần đầu tư tốt hơn nữa về hệ thống thư viện, giảm giá sách; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh giá trị của sách, việc đọc sách, những người mê sách. Đối với trường học, cần bớt áp lực thi cử, học hành, kiến thức hàn lâm. Về phía gia đình, phụ huynh phải làm gương, luôn quan tâm, khích lệ con trẻ yêu sách, mê đọc sách. Nên tổ chức đều đặn, quy mô hàng năm ở tất cả tỉnh, thành những ngày hội đọc sách, tuần lễ hội sách… để thu hút, nâng cao ý thức thường xuyên ham thích đọc sách của người dân, nhất là giới trí thức trẻ.

Trong năm 2015 người Việt chi hơn 2.000 tỷ đồng cho hoạt động xuất bản, nhưng lại chi 63.000 tỷ đồng cho việc uống bia rượu. Ở Việt Nam, chúng ta rất hiếm thấy cảnh người ngồi trong công viên, tàu xe, hành lang bệnh viện… đọc sách. Kể cả những người làm việc liên quan đến sách vở nhiều như giảng viên cũng ít đọc. Ở những ngành nghề khác, chuyện đọc sách có lẽ càng ít hơn nữa.

Các tin khác