Trong xu thế toàn cầu đang thay đổi, từng ngành hàng phải chuyển mình để thích ứng và ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL nhận tín hiệu vui khi đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai tại 12 tỉnh, thành. Mục tiêu đề án nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập, xây dựng hình ảnh “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
ĐBSCL là “vựa lúa” của Việt Nam khi mỗi năm sản xuất từ 24 đến 25 triệu tấn lúa/năm, tạo ra công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu nông hộ. Những năm qua đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường được áp dụng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng cạnh tranh của lúa gạo.
Tuy nhiên, trước xu thế tiêu dùng đang thay đổi, đề án một triệu hecta chuyên canh lúa ở ĐBSCL là định hướng đúng, được đánh giá mang tính đột phá của ngành hàng lúa gạo. Đề án chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá các quy trình canh tác, hướng đến tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26 về giảm phát thải ròng bằng “0” vào 2050.
Phác họa “bức tranh” lúa gạo vùng ĐBSCL
Với hàng triệu nông hộ ở 12 tỉnh, thành cùng tham gia đề án sẽ phác họa tổng thể “bức tranh” của ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL đang nỗ lực khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát để hướng đến sự chuyên nghiệp.
Đề án là sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân
Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung An, đề án mang lại ý nghĩa to lớn về mặt môi trường và giá trị hạt gạo, giúp ổn định sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam. Trong hơn 10 năm qua Công ty Trung An đã thực hiện liên kết với hợp tác xã, nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình cho rằng, sự tham gia trong đề án gồm nhà nước, nhà khoa học, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ đóng vai trò “then chốt” để dẫn dắt người dân vào các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải, nâng cao tính cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo.
Đề án chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá các quy trình canh tác
“Với sự vào cuộc rất là chi tiết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chuyên gia trong và ngoài nước rất chú tâm trong vấn đề này, sẵn sàng đi vào đồng hành 1 triệu hecta này. HTX và doanh nghiệp phải thực hiện việc này cùng với nông dân, người nông dân sẵn sàng làm nhưng mà với sự hướng dẫn quy trình của doanh nghiệp, HTX”, ông Phạm Thái Bình nói.
Hoàn thiện hạ tầng cho ngành hàng lúa gạo
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, đề án tập trung vào quy trình canh tác để giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mắt xích quan trọng mang tính quyết định đến thành công của đề án là sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
Ngành hàng lúa gạo đóng góp lớn vào xuất khẩu
“Chúng tôi rất quan tâm đến tác nhân đó là thương buôn để thực hiện trong liên kết làm cho bài bản, đàng hoàng và hợp đồng liên kết với các cánh đồng, hộ nông dân, các HTX được chặt chẽ, chính quy. Hợp đồng liên kết với doanh nghiệp được bài bản để thông qua hệ thống thương lái sẽ xây dựng được những cánh đồng để chủ động được vùng lúa chất lượng cao, từng bước xây dựng nhãn hiệu, nâng được chuỗi giá trị”, ông Trần Thái Nghiêm cho biết.
Đề án sẽ tổ chức lại ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL và yếu tố nòng cốt là hình thành những hợp tác xã, nông dân chuyên nghiệp để tham gia vào mối liên kết với doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đang hình thành một hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững với các quy trình canh tác được tổ chức quốc tế đánh giá cao
“Chất lượng cao ở đây không phải là giống lúa chất lượng cao mà là các công nghệ cao, các sản phẩm hàng hóa cao cấp, nhưng cao hay là hiện đại thì phải làm chi phí sản xuất, giảm giá thành, giảm phát thải. Chúng tôi kêu gọi tất cả các doanh nghiệp có những công nghệ mới về cơ giới phục vụ cho sản xuất lúa với mục tiêu giảm chi phí, giảm phát thải, tăng lợi nhuận cho người sản xuất lúa”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.
Xây dựng hình ảnh lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”
Để giảm phát thải ròng bằng “0” vào 2050 theo cam kết, Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp trong đề án một triệu hecta lúa ở ĐBSCL với sự tham gia của đối tác công tư. Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong đề án về phía nhà nước sẽ đảm nhiệm vai trò khởi tạo và hỗ trợ bằng cơ chế; các chuyên gia, nhà khoa học hướng dẫn quy trình, còn doanh nghiệp với vai trò liên kết hợp tác xã, nông hộ và kết nối, dẫn dắt thị trường.
“Là doanh nghiệp có năng lực uy tín về sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào, đầu ra, cơ giới hóa, công nghệ, thông tin, tổ chức, tín dụng, dịch vụ để hoàn thiện hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững”, ông Lê Đức Thịnh cho biết thêm.
Với hàng triệu nông hộ ở 12 tỉnh, thành cùng tham gia đề án sẽ phác họa tổng thể “bức tranh” của ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, đề án sẽ tạo dựng hình ảnh ngành hàng lúa gạo “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mối quan tâm xuyên suốt của đề án là phải nhất quán về mục tiêu, đồng thuận trong hành động vì “Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa – Vì người tiêu dùng – Vì môi trường xanh”.
“Đề án phác thảo bức tranh phát triển tổng thể hơn, bao trùm hơn. Nhiều cơ hội việc làm được tạo ra, thu nhập cho người trồng lúa được cải thiện, nhờ những ngành nghề đa dạng, bổ trợ nhau trong khu vực kinh tế nông thôn. Nhờ vào các hình thức hợp tác, liên kết, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, người trồng lúa có thể tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở những công đoạn phù hợp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
Nhìn lại chặng đường của ngành hàng lúa gạo trong thời gian qua khi đã khẳng định thương hiệu, vị thế trong xuất khẩu. Con số ấn tượng năm 2023 khi xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo với giá trị gần 4,7 tỷ USD đã thể hiện rõ uy tín của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Nối tiếp hành trình khởi sắc, ngành hàng lúa gạo đang thực hiện các cam kết thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính bằng việc triển khai đề án một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và xây dựng hình ảnh lúa gạo Việt Nam “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.