Bức tranh màu xám

Triển vọng kinh tế thế giới không mấy sáng sủa, đó là dự báo của 2 định chế kinh tế hàng đầu thế giới - Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - trong các báo cáo mới đưa ra vào trung tuần tháng này.

Triển vọng kinh tế thế giới không mấy sáng sủa, đó là dự báo của 2 định chế kinh tế hàng đầu thế giới - Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - trong các báo cáo mới đưa ra vào trung tuần tháng này.

Hạ dự báo

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống mức 2,8%, từ mức 3,2% trong dự báo trước đó. Hoa Kỳ được dự báo tăng 2,1%, từ dự báo 2,8%; Nhật Bản dự kiến suy giảm 1,3% so với 1,4% ước tính trước đó; Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cũng bị hạ dự báo.

Tuy nhiên, có vẻ như sự thụt lùi này là tạm thời, vì dự báo của WB đối với kinh tế thế giới trong năm tới vẫn không thay đổi, ở mức 3,4%. "Nền kinh tế toàn cầu đã có một khởi đầu gập ghềnh trong năm nay vì thời tiết xấu tại Hoa Kỳ, bất ổn thị trường tài chính và cuộc xung đột ở Ukraine” - WB viết trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 10-6.

“Mặc dù suy yếu vào đầu năm, tăng trưởng dự đoán sẽ tăng tốc độ về sau”. Tương tự, IMF ngày 16-6 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Hoa Kỳ 0,8 điểm phần trăm, xuống còn 2%, chủ yếu do suy giảm tăng trưởng trong quý I.

Các nền kinh tế phát triển, nơi tiêu dùng và việc làm đang được cải thiện, đã cung cấp lực đỡ cho tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi không thể tăng tốc. WB dự đoán tăng trưởng ở Trung Quốc và Brazil sẽ chậm lại trong năm nay so với năm 2013. Báo cáo của WB cảnh báo các thị trường mới nổi có thể rơi vào tình trạng bất ổn tài chính nếu lơ là cảnh giác, vì vậy cần giảm thâm hụt ngân sách, nâng lãi suất để tăng năng suất.

WB hạ tăng trưởng năm 2014 của Nga xuống 0,5% từ dự báo 2,2% đưa ra hồi tháng 1, trong khi dự báo Ukraine sẽ thu hẹp 5%. “Căng thẳng leo thang ở Ukraine là mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu. Nó sẽ tác động theo nhiều kênh khác nhau” - báo cáo của WB viết. Ngân hàng này duy trì dự báo với khu vực đồng EUR, ở 1,1%, nhưng hạ dự báo của Nhật Bản xuống 1,3% từ mức 1,4%.

Đối với triển vọng năm tới, WB nâng dự báo của Hoa Kỳ, khu vực đồng EUR và Nhật Bản. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng các thị trường mới nổi. Nhưng WB cảnh báo nhiều nước đang phát triển đang tăng trưởng ở mức cận tiềm năng tối đa, trong khi những nước khác sẽ bị tổn thương khi giá hàng hóa giảm. Nhìn chung, các nước đang phát triển sẽ tăng 4,8% trong năm nay, giảm so với dự báo 5,3% hồi tháng 1.

Chuẩn bị cho khủng hoảng kế tiếp

Tại Hoa Kỳ, các nhà hoạch định chính sách của FED tỏ dấu hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức cận zero ít nhất đến năm tới. Trong năm qua, tài sản thị trường mới nổi đã hồi phục từ 2 giai đoạn bán tháo, đợt đầu tiên là sau khi FED cho biết vào tháng 5-2013 rằng có kế hoạch thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ của mình. Sự phục hồi đó đang giúp các nước mới nổi thêm thời gian để củng cố nền kinh tế nước nhà trước khi chi phí vay mượn sẽ tăng lên cùng với việc FED chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng, nâng lãi suất.

“Lời khuyên của chúng tôi cho các nước đó là bạn chỉ còn khoảng 1 năm để giảm thiểu những chỗ yếu kém trước khi Hoa Kỳ tăng lãi suất trở lại” - Andrew Burns, trưởng nhóm tác giả báo cáo của WB, nói.

Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm do tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm do tăng trưởng chậm lại ở
các nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Trong khi thừa nhận thâm hụt vãng lai giảm và dòng tiền ở các thị trường mới nổi có cải thiện, WB vẫn chỉ ra những điểm dễ tổn thương. Chẳng hạn, tại gần 1/2 các nước thị trường mới nổi, thâm hụt ngân sách chính phủ đã vượt 3% GDP và tỷ lệ nợ công/GDP đã vượt mức 10% từ năm 2007.

Kaushik Basu, Phó Chủ tịch kiêm Kinh tế trưởng của WB, nói: “Sức khỏe tài chính của các nền kinh tế đã được cải thiện, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi rừng rậm. Sự thắt chặt dần chính sách tiền tệ và cải tổ cấu trúc là cần thiết để khôi phục lại không gian tài chính đã bị thu hẹp bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Nói chung, hiện nay chỉ là thời gian để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng kế tiếp”.

Các tin khác