Khủng hoảng chết chóc
Không giống các cuộc khủng hoảng bắt cóc 15 năm trước, làn sóng bắt cóc càn quét Nigeria hiện nay không giới hạn ở đồng bằng Niger, khi các công nhân dầu mỏ thường xuyên bị bắt cóc; hay ở Đông Bắc, nơi lực lượng khủng bố Boko Haram đã gây xôn xao dư luận quốc tế bằng vụ bắt cóc 276 nữ sinh Chibok năm 2014. Đặc biệt, 2 vụ bắt cóc học đường lớn đã xảy ra chỉ trong vài tháng qua. Hơn 300 nam sinh tại một trường ở bang Katsina vào tháng 12-2020, và cũng khoảng đó nữ sinh tại một trường trung học ở Zamfara vào tháng 2 vừa qua. Đến nay, cả 2 nhóm học sinh đã được thả, nhưng đã có 3 trong số 23 sinh viên bị bắt cóc từ Đại học Greenfield ở Kaduna đầu tháng 4 đã bị bắn chết. Số người bị bắt cóc năm 2020 ước tính gần 1.100 người, cao hơn gấp đôi số người bị bắt cóc vào thời đỉnh điểm của Boko Haram năm 2014.
Có rất nhiều người đang bị giết ở phía Tây Bắc đất nước, như ở bang Borno, thành trì của Boko Haram, nơi 3.044 thường dân đã thiệt mạng. Bạo lực đã khiến hàng trăm ngàn người ở Tây Bắc phải di tản. Từ lâu đã có suy đoán một số nhóm bắt cóc ở Tây Bắc đang hợp tác với Boko Haram. Dù điều này đúng hay không, chúng cũng giúp đạt được một trong những mục tiêu đặc trưng của nhóm Hồi giáo này: Xóa bỏ nền giáo dục phương Tây ở miền Bắc đất nước.
Kể từ khi bọn tội phạm bắt đầu nhắm mục tiêu vào các trường học, các thống đốc miền Bắc đã đóng cửa hàng trăm cơ sở cung cấp giáo dục cho những người dân lạc hậu. Giờ đây, phụ huynh rất e ngại việc đưa con họ tới trường. Yusuf Anka, nhà phân tích an ninh ở Zamfara, một bang phía Bắc, cho biết: “Có người nói chỉ khi bước qua xác của ông ta con ông ta mới có thể đi học. 300 trẻ em đã bị đưa vào rừng. Các phụ huynh nói họ không ngu đến nỗi để chúng quay lại trường".
Bần cùng sinh bắt cóc
Bần cùng sinh bắt cóc
Bức tranh kinh tế ở Nigeria rất tồi tệ. Tăng trưởng dân số vượt xa GDP ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khiến nhà sản xuất dầu thô lớn nhất châu Phi rơi vào suy thoái. Lạm phát giá lương thực đã đạt mức cao nhất trong 15 năm, trong khi tình trạng thất nghiệp tràn lan - hơn một nửa dân số Nigeria thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (chiếm phần lớn trong dân số 200 triệu người) lên tới 2/3. Dân số bùng nổ, thất nghiệp tràn lan, lực lượng an ninh vừa thiếu vừa yếu, cũng như dễ dàng tiếp cận các vũ khí nhỏ, đã khiến bắt cóc tống tiền trở thành "ngành công nghiệp" trong nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nigeria. Các khoản thanh toán tiền chuộc béo bở từ vài trăm USD đối với người bình thường đến hàng ngàn USD với các nạn nhân nổi tiếng, đang hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm.
“Những khoản tiền chuộc khổng lồ trả cho các chiến binh Hồi giáo Boko Haram để cứu các nữ sinh Chibok bị bắt cóc năm 2014 đã góp phần tạo động lực cho ngành “công nghiệp” này phát triển” - bà Amaka Anku, Giám đốc châu Phi của Eurasia Group, nói và cho biết các băng bắt cóc tống tiền đã phát triển mạnh mẽ trong một nền kinh tế đã bị tê liệt bởi 2 cuộc suy thoái trong 6 năm. Nó đã lan rộng trên toàn quốc một phần vì đã trở thành một "lựa chọn nghề nghiệp" khả thi cho những thanh niên Nigeria đang không có việc làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Tình trạng còn tệ hơn vì sự yếu kém của các lực lượng an ninh. Chris Kwaja, giảng viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và An ninh ở Yola, một thành phố ở Đông Bắc của đất nước, cho biết hiện nay bắt cóc rất thịnh hành vì hầu như bọn tội phạm không bị trừng phạt. “Nhiều nhóm bắt cóc bị cơ quan an ninh bắt giữ, nhưng không bị truy tố” - Kwaja nói. Tổng thống Muhammadu Buhari về cơ bản đã thừa nhận lực lượng an ninh không thể bảo vệ đất nước. Ông viết trên Twitter vào tháng 3: “Quân đội chúng tôi có thể hiệu quả và được trang bị tốt, nhưng họ cần những nỗ lực tốt để bảo vệ quốc gia và người dân địa phương cần vượt qua thách thức này trong thời điểm hiện tại”.
Coi bắt cóc là tội phạm
Coi bắt cóc là tội phạm
Đắc cử năm 2015, Tổng thống Buhari hứa sẽ bảo vệ đất nước khỏi Boko Haram. Ông cho biết sẽ thực hiện đường lối cứng rắn, không thương lượng với bọn bắt cóc. Nhưng điều này có thể xung đột với một số đồng minh chính trị của ông ở các bang phía Bắc, những người đã cố gắng đề nghị ân xá và khắc phục hậu quả cho các nhóm bắt cóc - bao gồm cung cấp xe cộ, tiền bạc và cam kết xây dựng trạm y tế và trường học cho cộng đồng của họ nếu họ hoàn lương.
Zamfara là một trong những bang như vậy. Anka, nhà phân tích an ninh, nói thúc đẩy đàm phán là điều tốt bởi nhiều thủ phạm đã bị nhà nước bỏ rơi. Nhưng Tổng thống Buhari tuyên bố sẽ coi bắt cóc là tội phạm. Văn phòng của ông đã đưa ra một loạt tuyên bố, trong đó cảnh báo những tên bắt cóc hoặc ngừng hoạt động hoặc chuẩn bị cho sự phẫn nộ của lực lượng an ninh. Cảnh báo này đưa ra giữa tháng 3, sau khi hàng chục sinh viên bị bắt cóc tại một trường cao đẳng lâm nghiệp bên cạnh học viện quân sự ở Kaduna. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, một nhóm bắt cóc khác đã xông vào trường tiểu học cũng ở Kaduna, giết chết 3 giáo viên.
Vào tháng 3, Tổng thống đã ra lệnh cho các nhân viên an ninh "bắn bất kỳ người nào mang theo súng AK-47 trong bất kỳ khu rừng nào trên đất nước". Thống đốc Zamfara, Bello Matawalle, thông báo rằng 6.000 quân sẽ được triển khai để tiêu diệt tận gốc các trại bắt cóc trong rừng Rugu rộng lớn. Ông cũng cấm việc đi quá 1 người ngồi trên 1 chiếc mô tô, phương tiện được lựa chọn của những tên bắt cóc. Nhưng nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng nó là phương tiện giao thông chính của nhiều người Nigeria, và những lệnh cấm đã thất bại. Aliyu, một công nhân thất nghiệp 31 tuổi bang Niger, nơi làn sóng bắt cóc hoành hành, nói: “Nếu không chấm dứt tình trạng nhàn rỗi trong giới trẻ, bạn đang ngồi trên quả bom hẹn giờ. Và thực tế quả bom hẹn giờ đó đang ở trên đầu chúng ta”.
Dân số bùng nổ, thất nghiệp tràn lan, lực lượng an ninh vừa thiếu vừa yếu, đã khiến nạn bắt cóc tống tiền trở thành "ngành công nghiệp" hấp dẫn của Nigeria. |