Bùng nổ tín dụng cuối năm

(ĐTTCO) - Mới đây Vụ Dự báo Thống kê NHNN kỳ vọng tín dụng trong quý IV-2016 tăng 7,37% để đưa tín dụng cả năm vượt kế hoạch và đạt 21,82% cả năm 2016. Việc tín dụng quý IV tăng trưởng đột biến không phải quá bất ngờ; nhưng mục tiêu tăng khủng này khiến không ít chuyên gia lo ngại về tính khả thi và hiệu quả của nó. Liệu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có phải là nước cờ mạo hiểm?

(ĐTTCO) - Mới đây Vụ Dự báo Thống kê NHNN kỳ vọng tín dụng trong quý IV-2016 tăng 7,37% để đưa tín dụng cả năm vượt kế hoạch và đạt 21,82% cả năm 2016. Việc tín dụng quý IV tăng trưởng đột biến không phải quá bất ngờ; nhưng mục tiêu tăng khủng này khiến không ít chuyên gia lo ngại về tính khả thi và hiệu quả của nó. Liệu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có phải là nước cờ mạo hiểm?

Kỳ vọng đột biến hay đã tính trước?

Theo báo cáo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo Thống kê, mức bình quân toàn hệ thống tăng trưởng 7,37% (trong đó VNĐ tăng 7,93% và ngoại tệ tăng 4,22%) cao hơn so với mức bình quân kỳ vọng tăng 5,17% của quý III-2016 tại cuộc điều tra kỳ trước. Đồng thời mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 được kỳ vọng đạt mức 21,82%, cao hơn khoảng 4,5% so với mức mục tiêu 18-20% và mức 17,26% đạt được của năm 2015.

Việc tín dụng dồn vào 3 tháng cuối năm để đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, bởi mở rộng tín dụng quá mức sẽ không vào sản xuất mà chạy vào các khu vực khác, làm tăng giá cả và đẩy lạm phát. Các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu KT và Chính sách

Tăng trưởng tín dụng tiền đồng vẫn giữ vững vai trò chủ đạo trong tăng trưởng với mức kỳ vọng 22,95% so với 20,96% của năm 2015 và tín dụng ngoại tệ dự kiến tăng trưởng 8,22% (năm 2015 giảm 7,7%). Các TCTD cũng kỳ vọng huy động vốn của toàn hệ thống NH năm 2016 đạt 16,85% (năm 2015 đạt 15,66%). Với kết quả khảo sát này, việc tăng trưởng tín dụng nếu vượt kế hoạch trong năm nay sẽ không quá bất ngờ, và có lẽ cũng không phải là vấn đề được quan ngại.

Trong thời gian ngắn vừa qua, một số NH được phép nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với chỉ tiêu ban đầu. Chẳng hạn, ACB được phép nâng từ 18% lên 21%; MB từ 18% lên 22%. Trong kế hoạch tăng trưởng của các NH từ đầu năm về cho vay khách hàng có sự khác nhau. Các NHTMCP có vốn nhà nước đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng tín dụng chung và đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng quanh chỉ tiêu NHNN đưa ra như Vietcombank 17%; VietinBank 18% và BIDV từ 18-20%. Trong khi đó các NHTMCP khác như SHB đặt kế hoạch dư nợ cho vay tăng 20% so 2015, Techcombank 18%, OCB được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao nhất 25%, SCB với kế hoạch tăng 36%, VPBank tăng 34%...

Thông thường các nhà băng kỳ vọng quý cuối năm tín dụng sẽ tăng mạnh vì nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Do đó các chương trình tín dụng hàng chục ngàn tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp có lãi suất ưu đãi hoặc khuyến mại được liên tục tung ra cũng một phần nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng đến 31-8-2016 đạt 10,2% so với cuối năm 2015, nhưng tăng trưởng tín dụng bình quân 8 tháng đạt 4,7% (cùng kỳ 2015 là 4,1%). Cơ quan này cũng nhận định để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 18-20%, tín dụng cần tăng nhanh hơn trong quý IV-2016.

Nước cờ mạo hiểm?

Nhìn lại lịch sử tăng trưởng tín dụng những năm gần đây, quý IV thường là quý có tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn nhất trong năm. Đồng thời các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đều kịp cán đích trong các năm qua. Chẳng hạn hết tháng 11-2013, tín dụng mới tăng trưởng 7,2% nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu 12% ở thời điểm cuối năm. Tương tự 2 năm 2014-2015, tín dụng cũng hoàn thành kế hoạch nhờ tăng tốc ở những tháng cuối năm. Được biết, hiện tại NHNN một mặt yêu cầu các TCTD thực hiện mở rộng tín dụng đối với khách hàng, song phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao năm 2016; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc tăng trưởng tín dụng mạnh vào cuối năm cũng là điều dễ hiểu, nhưng ngoài nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng lên, còn một nguyên nhân “không tự nhiên” khác là việc chạy theo chỉ tiêu. Để hoàn thành chỉ tiêu quan trọng này, thông thường NH có những thủ thuật để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn thông qua việc giải ngân các khoản cho doanh nghiệp với thời gian rất ngắn vào cuối năm. Thực chất đây có thể là những khoản vay ảo để làm đẹp sổ sách. Tuy nhiên trong điều kiện bình thường hấp thu vốn thực tế của nền kinh tế thường khó tăng đột biến mạnh vào giai đoạn cuối năm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có xu hướng trả bớt nợ vay để giảm bớt gánh nặng lãi suất.

Đối với Chính phủ, tăng trưởng tín dụng cao đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế cũng khởi sắc hơn. Đến nay tăng trưởng GDP 9 tháng chưa đạt 6%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% cả năm đang gây sức ép lớn đối với con số tăng trưởng của quý cuối cùng trong năm. Do vậy, việc đẩy mạnh tín dụng đối với nền kinh tế cũng gián tiếp giúp Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP. Báo cáo Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương của WB tháng 10-2016 nhận định, tăng trưởng tín dụng tiếp tục được mở rộng với mức tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và đã gấp 3 lần tăng trưởng GDP danh nghĩa. Để giải quyết những lo ngại gia tăng về tác động tiêu cực của tăng trưởng tín dụng trong chất lượng cho vay, NHNN cần áp dụng các quy định bảo đảm an toàn chặt chẽ hơn, để giảm thiểu rủi ro hệ thống và kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.

Các tin khác