Bừng sáng dải đô thị Đông Bắc TPHCM

(ĐTTCO) - Năm 2021 này, TPHCM đón nhận nhiều tin vui. Thứ nhất, cả nước tập trung lớn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật (cầu, đường) cho hai miền Đông và Tây Nam bộ, nhằm tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế ở tầm mức cao hơn. Thứ hai, TPHCM chính thức được vận hành theo mô hình chính quyền đô thị. Và đây được coi như chìa khóa mở ra một vận hội phát triển mới cho TPHCM và Đông Nam bộ. 

Một góc khu Đông TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một góc khu Đông TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phát lộ hình hài sau 60 năm
Thực ra, việc kết nối liền mạch tạo nên dải đô thị ở phía Đông Bắc của khu vực Đông Nam bộ, nối từ thành phố Thủ Đức lên thành phố Biên Hòa và lan ra Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây sẽ là dải đô thị đóng vai trò động lực chính cho toàn vùng nhằm phá vỡ điểm nghẽn và sức ỳ. Ước mơ xây dựng dải đô thị này không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ các thế hệ trước. 
Lật lại lịch sử, các nhà phát triển Mỹ-Việt vào thời Việt Nam Cộng hòa khi xây dựng xa lộ Biên Hòa (1957-1961) dài 31km, đã mong muốn hình thành dải đô thị dọc theo xa lộ này, nối trung tâm Sài Gòn với khu Kỹ nghệ Biên Hòa (ra đời 1963), sau này là thành phố Biên Hòa.
Trước 1975, đã có một số công trình được hình thành dọc theo tuyến trục này như làng đại học, trường đại học, các nhà máy như xi măng, dệt và cảng, nhưng ước mơ đó bị dở dang do nhiều lý do khác nhau.
Năm 1990, các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đề xuất ý tưởng hình thành nên dải đô thị này khi tiến hành mở rộng xa lộ Hà Nội sang mỗi bên 200-500m. Sau hơn 60 năm, mong muốn ấy mới thành hiện thực và hình hài dải đô thị ấy mới hình thành và được phát lộ từng ngày.
Điều gì thúc đẩy sự ra đời của dải đô thị này? Trước hết phải kể đến tuyến Metro số 1 đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo thiết kế ban đầu nó dài chừng 20km từ Bến Thành đến Suối Tiên, nhưng nay Chính phủ đã đồng ý kéo dài hai nhánh, một nhánh về Bình Dương (hơn 2km) nối với Thủ Dầu Một, và một nhánh đến ngã tư Vũng Tàu dài hơn 5km.
Tuyến Metro này sẽ đưa vào hoạt động năm 2021, vì tính chất con thoi đi về giữa hai đầu và hoạt động 24/24, cho nên  nó sẽ trở thành phương tiện giao thông kết nối thường trực và sinh động nhất, giống như xương sống của dải đô thị. Mặc dù chưa đi vào hoạt động, nhưng thị trường bất động sản và các công trình dịch vụ dọc theo tuyến Metro này đang hình thành sôi động và rất nặng ký.

Sẽ là thỏi nam châm thu hút đầu tư
Tiếp theo đó là sân bay quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đã chính thức khởi công ngày 5-1-2021. Sân bay Long Thành không đơn thuần chỉ là cảng hàng không với sức chứa 25 triệu hành khách/năm, mà nó sẽ trở thành một thành phố cảng sân bay có quy mô lớn và hiện đại, ngang tầm với các thành phố sân bay trên thế giới. Trong tương lai không xa nơi đây sẽ hình thành nên các cụm dân cư đô thị liên hoàn, hiện đại với dân số 300.000-500.000 dân. 
Thành phố sân bay Long Thành trở thành điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính nhờ có điểm hút này mà các nhà đầu tư lớn đang đổ dồn về như Novaland, Nam Long, Phúc Khang và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. 
Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây có chiều dài 56km, nối TPHCM với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú, thuộc thành phố Thủ Đức và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Theo thiết kế ban đầu tuyến này có 4 làn xe, nhưng nay Chính phủ đã đồng ý mở rộng ra 8-12 làn xe để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của khu vực này. Nó sẽ là trục giao thông đường bộ quan trọng nhất của dải đô thị và toàn vùng, đóng vai trò như trục giao thông huyết mạch chuyên chở hàng hóa, hành khách, đặc biệt là kết nối với các cảng sông, cảng hàng không và đường bộ. 
Cuối cùng là sự ra đời của thành phố Thủ Đức trong kỳ vọng là điểm đột phá chiến lược của TPHCM. Đây sẽ là trung tâm khoa học sáng tạo, công nghệ-kỹ thuật cao, tương tác đa chiều nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung theo hướng nền kinh tế tri thức, và theo kỳ vọng, khi hình thành nó sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ cho thành phố và người khởi xướng ý tưởng đã phỏng đoán nó sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TPHCM, tức khoảng 7% GDP của cả nước.
Với diện tích 212km2 và dân số 1,1 triệu người, chắc chắn nó sẽ tạo ra một khu vực phát triển năng động.
Như thế dải đô thị điểm đầu là thành phố Thủ Đức và điểm cuối là sân bay Long Thành đang dần lộ diện. Với quyết tâm rất cao của Chính phủ, Trung ương và chính quyền địa phương của TPHCM, Đồng Nai và có thể tiếp nữa là Bà Rịa-Vũng Tàu, quá trình hình thành và phát triển của dải đô thị này sẽ được đẩy nhanh với tốc độ và quy mô rất lớn về mọi phương diện (chính sách, nguồn lực, mức đầu tư, thể chế).
Dải đô thị với gần 2 triệu dân và 500km2 này chắc chắn sẽ trở thành cục nam châm khổng lồ hút các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước, và rất có thể trở thành nơi phát triển nóng nhất cả nước từ nay đến 2050, sức ảnh hưởng của nó sẽ lan tỏa đến dải đô thị miền Trung và Bà Rịa-Vũng Tàu khi cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu hoàn thành. 
Một dải đô thị hiện đại nhất của nhiều thế hệ không còn là mơ ước, mà đang được hiện thực hóa mạnh mẽ và kỳ vọng thành công.

Các tin khác