“Quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN ) là động thái phù hợp ở thời điểm hiện tại bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn và lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp”, đó là khẳng định của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
TS.Cấn Văn Lực chỉ ra 3 lý do chính. Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất. Trong đó, Fed nhiều khả năng cũng sẽ giảm lãi suất thời gian tới. Nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi cũng đã giảm lãi suất.
Thứ hai, ở thời hiện tại và cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất.
Thứ ba, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.
Bình luận về việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới, ông Cấn Văn Lực cho rằng sẽ cần có lộ trình và độ trễ nhất định. Vì khi các tổ chức tín dụng vay từ NHNN, có thể vay dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm,…chỉ ở những trường hợp nhất định ví dụ như có các gói tín dụng mà NHNN yêu cầu phải ưu tiên, hỗ trợ,…Nếu các ngân hàng thương mại tham gia các gói hỗ trợ đó thì sẽ được vay tái cấp vốn từ NHNN với lãi suất thấp hơn một chút và đương nhiên, mức vay sẽ không nhiều.
Bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI Retail Research) cũng có chung quan điểm khi nhận định, thông điệp của NHNN hướng đến là giảm mặt bằng lãi suất làm giảm chi phí vốn, chứ không nhất thiết là nới lỏng tiền tệ.
Theo phân tích của SSI, trong ngắn hạn mặt bằng lãi suất giao dịch trên liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn ngắn trên thị trường thứ cấp là hai đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc điều chỉnh lãi suất OMO. Trong ngày nhận được thông tin giảm lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng đã giảm mạnh xuống 2,78%/năm (giảm 20 điểm cơ bản), lợi tức TPCP kỳ hạn 1-3 năm giảm từ 6-12 điểm cơ bản xuống quanh mức 2,6%/năm.
Xét dài hơn, các lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ dao động trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO từ 2,75%/năm đến 4,5%/năm. Trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng và môi trường thanh khoản được kỳ vọng sẽ được giữ dồi dào sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu... Bởi điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như Fed hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.
Cũng có chung nhận định như vậy, song theo SSI, đây là động thái tiếp theo sau một loạt các hành động trước đó như các ngân hàng thương mại Nhà nước tiên phong giảm lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên tới 2 lần kể từ đầu năm đến nay. Chưa kể, NHNN tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại chạy đua tăng lãi suất huy động, trong đó gồm cả việc cắt giảm tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu bất động sản của các ngân hàng thương mại… Qua đó thể hiện sự tăng cường kiểm soát dòng chảy tín dụng và chủ trương giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi như đã phân tích ở trên, các biện pháp kỹ thuật của NHNN nếu có được sự đồng lòng của các ngân hàng thương mại lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được, mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế”, SSI nhận định.
Một câu hỏi là liệu từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất điều hành nữa, qua đó tác động mạnh hơn tới tăng trưởng kinh tế? TS Cấn Văn Lực cho rằng không cần thiết phải giảm thêm lãi suất.
Một là, lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hai là mức độ ảnh hưởng của lãi suất điều hành đối với thị trường 1 không quá lớn, chủ yếu là tác động đến thị trường 2 và các ngân hàng có liên quan đến vấn đề thanh khoản, hoặc ngân hàng triển khai các gói tín dụng vay tái cấp vốn. Nên giả sử, NHNN có giảm thêm 1-2% lãi suất điều hành mà quan hệ tương quan đối với thị trường 1 không nhiều thì mức độ ảnh hưởng vẫn thế.
SSI cũng đồng tình cho rằng, việc NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% là hoàn toàn hợp lý. Bởi xét trong bối cảnh tổng cầu chậm cải thiện, tăng cung tiền sẽ tăng rủi ro lạm phát, nhập siêu và bong bóng tài sản. “Giá dầu tăng đột ngột và thương chiến Mỹ - Trung leo thang là hai cảnh báo nhãn tiền để tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ”, tổ chức này khuyến nghị.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước. NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.