
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vậy đâu là những điểm đột phá quan trọng nhất của NQ68 so với các chủ trương, chính sách trước đây?
ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: - Nghị quyết 68 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển KTTN, tương tự như những dấu mốc quan trọng trước đây. Thời điểm năm 1986-1990, KTTN đã được thừa nhận, và năm 1999-2000 là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (DN).
Với những lần trước đây, dấu mốc quan trọng đã tạo ra sự bùng nổ về số lượng DN. Tuy nhiên, Nghị quyết 68 được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi về chất của khu vực KTTN, để thực sự trở thành động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Điểm nổi bật của Nghị quyết 68 nằm ở ba chủ trương lớn: (i) Giảm sự phiền hà, tập trung vào việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập và hoạt động trên thị trường; (ii) Tăng cường mức độ bảo vệ với sự đảm bảo quyền lợi hợp pháp của DN, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư và doanh nhân; (iii) Khơi thông mọi nguồn lực thông qua việc tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và các nguồn lực khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Theo ông cần giải pháp cụ thể gì để hiện thực hóa mục tiêu “khu vực KTTN là động lực quan trọng nhất” mà Nghị quyết 68 đặt ra?
- NQ68 là một văn bản chính sách thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự thay đổi tư duy, cam kết của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của KTTN. Cụ thể, Nghị quyết khẳng định khu vực KTTN là động lực quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu xóa bỏ mọi định kiến, rào cản đối với khu vực này. Tư duy về xây dựng, thực thi chính sách và thể chế đối với khu vực KTTN được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 68.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết 68 tập trung vào những giải pháp cụ thể là hoàn thiện hệ thống pháp luật với việc xóa bỏ các rào cản về thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để DN được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua các chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm và khả năng hội nhập quốc tế.
Giải pháp quan trọng nữa là tăng cường liên kết với việc tạo điều kiện để DN tư nhân liên kết với các thành phần kinh tế khác, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Yếu tố then chốt để Nghị quyết 68 đạt được hiệu quả là tính quyết liệt và mạnh mẽ trong thực thi. Cụ thể, Nghị quyết 68 nhấn mạnh đến việc cắt bỏ tất cả những sự phiền hà, thay đổi tư duy quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước. Song, vấn đề là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Nghị quyết là rất cần thiết, để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ.
Do vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa các quy định của Nghị quyết, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành.
- Đáng chú ý trong Nghị quyết 68 cũng đặt ra yêu cầu sửa đổi Bộ luật Hình sự để tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Theo ông việc này có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng DN và môi trường đầu tư tại Việt Nam?
- Thực tế cho thấy, việc gia nhập thị trường dễ dàng nhưng DN vẫn phải chịu những rủi ro về thể chế và kinh doanh, điều đó sẽ tác động đến tâm lý đồng thời làm giảm sự sáng tạo (không dám đổi mới). Kinh doanh không tránh được những sai lầm và cần phải cho họ có cơ hội để sửa sai và làm lại, đây là tạo dựng môi trường kinh doanh.
Do đó, tôi cho rằng một số điểm rất mới của Nghị quyết 68 lần này là hướng đến việc tăng sự bảo vệ cho DN. Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự để tách bạch giữa các vi phạm hành chính, dân sự, kinh tế và hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng DN. Điều này giúp tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và ổn định, khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Việc tách bạch rõ ràng các loại vi phạm cũng giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN, tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư.
- Xin cảm ơn ông.
Phó Thủ tướng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Doanh nghiệp là đối tác tham gia kiến tạo
Trước đây, DN được coi như một đối tượng để quản lý, nhưng bây giờ, với Nghị quyết 68, xác định DN tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước.
Chúng ta không còn đặt nặng vấn đề quản lý theo kiểu cũ. Tất cả các cơ chế, chính sách được xây dựng dựa trên tinh thần lấy người dân và DN làm trung tâm, làm chủ thể; mọi chính sách được thiết kế ra phải xoay quanh việc phục vụ, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN phát triển. Các DN cũng được tạo điều kiện tham gia vào các dự án lớn, các dự án mang tính chiến lược, các dự án quan trọng của quốc gia.
Trước đây, đôi khi chúng ta tự tạo ra những rào cản, rồi sau đó lại tháo gỡ và coi đó là cải cách, đổi mới. Lần này, chúng ta chủ động thiết kế, kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển, để dòng chảy kinh tế được lưu thông một cách tự nhiên, thậm chí làm cho chảy nhanh hơn, đúng hướng hơn, tốt hơn, chứ không phải là ngăn cấm.
Chúng ta coi DN là đối tác và đã mạnh dạn chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Đây là những thay đổi rất lớn về thể chế. Thay vì quản lý theo "hình nón ngược", siết chặt đầu vào nhưng lỏng lẻo đầu ra, chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, làm theo "hình chiếc phễu".
Đó là tạo điều kiện cho đầu vào thông thoáng, tự do, nhưng quản lý đầu ra rất chặt chẽ bằng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra. Điều này sẽ giúp DN giảm bớt khó khăn khi gia nhập thị trường, giảm chi phí và thời gian.