4 tuần sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất giảm sản lượng trên toàn thế giới, thậm chí với số lượng rất đáng kể (10 triệu thùng/ngày). Tại sao xảy ra bước ngoặt này?
Theo tờ La Tribune của Pháp, ban đầu, khi từ chối giảm sản lượng, Moscow muốn hoạch định lại bản đồ dầu mỏ. Bằng cách duy trì sản lượng dầu khiến giá dầu giảm, Nga công khai tuyên chiến với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Thực tế, kế hoạch trên được Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đề xuất vào cuối năm 2019, thời điểm chưa có mối đe dọa từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc giảm 2-3 triệu thùng mỗi ngày, làm giảm mạnh nhu cầu của thế giới với mức giảm vượt quá 10 triệu thùng mỗi ngày. Một kế hoạch được tính toán trong một môi trường dầu mỏ thế giới ổn định và tăng trưởng nhưng triển khai trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái mạnh mẽ đã gây ra sự sụp đổ về giá dầu và những ảnh hưởng không thể tránh khỏi đối với Nga.
Nga không phải là nước duy nhất phải chịu hậu quả từ quyết định ngày 6-3 mà các nước thân Moscow cũng chịu hệ lụy. Algeria là ví dụ. Từ nhiều năm qua, dự trữ ngoại hối của Algeria sụt giảm do được sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế rơi vào tình trạng rất khó khăn. Kể từ khi giá dầu giảm, Algeria đã chi hơn 100 tỷ USD, với mức chi trung bình 20-25 tỷ USD/năm, để cứu nền kinh tế.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Venezuela, một trong 5 nước sáng lập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), với lượng dầu xuất khẩu giảm mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ, sẽ khó có thể trụ vững nếu tình hình này kéo dài. Kazakhstan và Azerbaijan - vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu và là 2 nước thân cận với Nga, cũng yêu cầu Nga thay đổi chiến lược và đề xuất tăng giá dầu.
Sự sụp đổ của giá dầu đi kèm nhu cầu kinh tế trong nước cũng như những sức ép từ bên ngoài đã thúc đẩy Điện Kremlin nhanh chóng thay đổi chiến lược.
Ngoài ra, phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của Saudi Arabia cũng góp phần dẫn tới quyết định của Nga. Chỉ vài giờ sau quyết định của Moscow ngày 6-3, Riyadh đã có “phản ứng kép”: giảm ngay lập tức giá dầu và tăng sản lượng. Phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của Saudia Arabia ngay lập tức khiến giá dầu trên thị trường quốc tế sụt giảm.
Đây là mục đích mà Saudi Arabia mong muốn khiến Moscow “mắc bẫy” vào chính chiến lược của mình. Chiến lược “thách thức” của Saudi Arabia đã thành công trong vòng chưa đầy 1 tháng, giúp Riyadh đạt được mục đích, đó là thay đổi hoàn toàn chiến lược của Nga và buộc Moscow trở lại bàn đàm phán về cắt giảm sản lượng dầu.