Bước tiến để kiểm soát quyền lực

(ĐTTCO) - Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có thể xem là một bước tiến góp phần hoàn thiện về mặt pháp luật Nhà nước và quy định của Đảng.
Bước tiến để kiểm soát quyền lực

Công tác cán bộ của Đảng ta và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này biểu hiện rõ qua hàng loạt vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã và đang bị phanh phui với không ít cán bộ thoái hóa, biến chất khiến dư luận không khỏi choáng váng, bức xúc.

Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, nhưng nổi lên là cơ chế để kiểm soát quyền lực này vẫn còn kẽ hở. Một bộ phận cán bộ, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí.

Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đâu đó còn để rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm.

Trên thực tế, có không ít trường hợp người đứng đầu cấp ủy “định hướng” để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình đối với người thân, quen, dưới danh nghĩa là “tạo điều kiện cho cán bộ trẻ”, là “đúng quy trình”… nhưng khi bị phát giác, bị dư luận phản ánh thì tổ chức cũng không thể chứng minh được là người đó đã “dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân để gợi ý, tác động, gây áp lực” như quy định của Đảng…

Từ đó đã tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân, mà hậu quả nặng nhất chính là ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và hệ thống chính trị.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 114 là một bước tiến mới, góp phần tích cực kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Quy định mới đã dành hẳn một chương, đề cập đến 3 nhóm hành vi cụ thể: Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; hành vi chạy chức, chạy quyền; và các hành vi tiêu cực khác, đã được đảng viên rất hoan nghênh.

Trong đó, các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ được chỉ rõ, như: dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ…

Đồng thời, cũng chỉ rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, như: Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi… Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân…

Việc chỉ rõ ra các hành vi vi phạm trong công tác cán bộ sẽ giúp tổ chức, đảng viên, thậm chí là quần chúng có thể giám sát, ngăn chặn, phòng chống hiệu quả hơn những tiêu cực trong công tác cán bộ ở các cấp. Khi quy định đã rõ, quá trình xử lý vi phạm cũng trở nên thuận lợi, minh bạch hơn rất nhiều. Đồng thời, khi đã có quy định thì cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ. Đối với người làm công tác cán bộ, mỗi người tự ý thức vai trò, trách nhiệm và cả sứ mệnh của mình đối với Đảng, Nhà nước, tự rèn luyện phẩm chất, tư cách đạo đức.

Lời đúc kết “qua ruộng dưa không cột dây giày” suy cho cùng vẫn là một sự nhắc nhở về đòi hỏi phải luôn giữ được sự trong sáng, khách quan cần thiết của cán bộ làm công tác cán bộ, trước khi đặt ra các vấn đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Các tin khác