Trong vai một người đi mua đất rẫy, ‘săn view’, không khó để được mời chào, hứa hẹn sẽ mua được những lô đất đẹp, ‘chạy’ cho xây nhà trên đất nông nghiệp…
"Cò" đất tự quy hoạch khu dân cư
Tại khu vực Đồi Chuối (tổ dân phố 7, phường Tân Lợi), việc san ủi, xây nhà trên đất nông nghiệp diễn ra náo nhiệt từ cuối năm 2021 đến nay.
Giới đầu cơ mua đất rẫy của bà con dân tộc thiểu số, sang tên rồi phân thành nhiều "sổ đỏ" (tối thiếu 500m2) để hợp thức việc phân lô.
Ở những nơi này, nhiều chủ đất còn tự ý san lấp đất, ủi đường, rải đá dăm để tạo lối đi cho ‘khu dân cư’.
Tại khu vực này, bà Hồ Thị P. (45 tuổi, giáo viên một trường cấp 2 tại Buôn Ma Thuột) mua của một người dân tộc thiểu số thửa đất rộng khoảng 5 sào. Sau khi mua, bà tự ý san ủi, làm 4 con đường xung quanh, rồi đổ đá dăm lên.
Tất cả các con đường này được nối ra một con đường tự phát đã được làm trước đó của các lô đất nông nghiệp, có nhà xây trái phép phía trên.
‘Sát nách’ khu vực Đồi Chuối là thôn 7, xã Cư Êbur, nạn phân lô bán nền còn nghiêm trọng hơn. Tại đây, nhiều lô đất được quy hoạch các đường xương cá, tạo thành những ô bàn cờ nhưng không phải Nhà nước thực hiện mà… do giới "cò" bất động sản triển khai.
Tại 10 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 26 (thôn 7, xã Cư Êbur), có người đã tự ý mở nhiều đoạn đường đã đổ đá cấp phối với bề rộng 4m, dài 430m. Điện đã được kéo đến từng khu vực để sẵn sàng lập ‘khu dân cư’.
Bà P. mở đường, đổ đá cấp phối trên đất nông nghiệp nhưng là để... trồng dừa - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo cán bộ địa chính xã Cư Êbur, những lô đất được phân này ban đầu là rẫy của người dân tộc thiểu số. Sau đó được sang nhượng, phân thành 14 sổ đỏ khác nhau rồi được làm đường, phân lô như kể trên. Các lô đất có hướng từ trên đồi xuống suối và có giá trị tăng dần.
Khi phát hiện việc phân lô bán nền, UBND xã Cư Êbur tổ chức cưỡng chế, phá những con đường này và ngăn chặn việc giao dịch. Lúc này, các ‘cò’ đất cũng có mặt nhưng chỉ nhận là mình được ký gửi đất, bán hộ. Sau đó, những người này được công an địa phương hướng dẫn về trụ sở để tìm ‘chính chủ’ lô đất.
Cạnh những lô đất đã bị xử lý còn có một lô đất khác cũng đã được ủi đường, san ủi bằng phẳng với ‘lưng tựa đồi, mặt nhìn xuống suối’, diện tích khoảng 3-5 sào. Theo cán bộ địa chính xã Cư Êbur, mấy hôm trước đi kiểm tra diện tích đất phân lô bán nền hiện tại để xử lý thì chưa phát hiện lô đất cạnh bên.
"Có thể diện tích mới san ủi, làm đường phân lô này mới làm vài ngày gần đây. Chúng tôi sẽ triển khai xử lý thời gian tới", cán bộ này nói.
"Ở đâu làm đường phân lô, tôi cho cào ngay"
Xã Cư Êbur phải cưỡng chế, phá con đường làm trái phép có dấu hiệu phân lô bán nền tại thôn 7 - Ảnh: TRUNG TÂN
Nói về vấn đề này, ông Trần Hoài Nam - cán bộ địa chính xã Cư Êbur - thừa nhận việc làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra nhiều năm nay.
"Nhiều hộ dân tộc thiểu số có đất nông nghiệp, kèm vài trăm m2 đất thổ cư nên đem bán. Sau đó, những hộ này lại lui vào phần đất nông nghiệp còn lại để làm nhà và vi phạm, buộc phải xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý những hộ dân tộc thiểu số này xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, phức tạp", ông Nam nói.
Ngày 18-3, UBND xã Cư Êbur đã cưỡng chế cày phá các tuyến đường tại 10 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 27 tại thôn 7 khi thông báo cho chủ sở hữu đến làm việc không được.
Một số thanh niên đến gây áp lực, được hướng dẫn về phường làm việc - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn - chủ tịch UBND phường Tân Lợi - cho biết trong năm 2021 và đầu năm 2022 đã xử lý nhiều vụ vi phạm xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp.
Đặc biệt, cuối năm 2021, khi phát hiện bà P. san ủi đất, làm tuyến đường (6x50m) xung quanh thửa đất 164, tờ bản đồ số 11 (tổ dân phố 7), UBND phường ra quyết định xử phạt 13 triệu đồng.
Bà P. nộp phạt và hứa ‘chỉ san ủi, tạo mặt bằng để trồng dừa’. Tuy nhiên, trước thông tin ngày 18-3, các tuyến đường này vẫn như cũ, có dấu hiệu mở rộng, ông Tuấn nói ‘sẽ cho kiểm tra, xử lý’.
Quan điểm của thành phố là ngăn chặn triệt để nạn phân lô bán nền trên đất nông nghiệp để đảm bảo đúng quy định về đất đai, tránh thất thoát thuế, phá vỡ quy hoạch… Chúng tôi đã làm rất quyết liệt, đồng bộ tại tất cả các địa phương. Nếu báo chí và người dân phát hiện dấu hiệu làm đường, phân lô trên đất nông nghiệp ở đâu, tôi cho cào ngay. Ông VŨ VĂN HƯNG - chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột |
Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Văn Hưng - chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - cho biết từ năm 2020 trở lại đây, do các cấp chính quyền tập trung phòng chống COVID-19 nên cũng lơ là việc quản lý đất đai, xây dựng, một số địa phương như phường Thành Nhất, xã Ea Kao… có sự buông lỏng.
Cũng theo ông Hưng, thanh tra về công tác quản lý đất đai, xây dựng đã phát hiện một số địa phương có sai phạm nghiêm trọng, thậm chí có nơi rất nghiêm trọng. Thành phố phải lập hội đồng kỷ luật để xử lý kỷ luật, gắn với các sai phạm của những lãnh đạo tại các địa phương.
"Quan điểm của chúng tôi là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, vừa để răn đe các địa phương có sai phạm đồng thời ngăn chặn những địa phương khác. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ tiếp tục thanh tra, xử lý nghiêm", ông Hưng khẳng định.
Theo cán bộ địa chính xã Cư Êbur, việc cưỡng chế nhà làm trái phép trên đất nông nghiệp tại các thôn buôn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: khi phát hiện nhà dựng trái phép trên đất nông nghiệp, bị buộc tháo dỡ, cả làng đến khiêng nhà đi nơi khác - Ảnh: TRUNG TÂN
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết từ năm 2019, tỉnh đã có biện pháp ngăn chặn việc hiến đường để tách thửa trên đất nông nghiệp với mục đích ‘phân lô bán nền’. Ngành chức năng chỉ giải quyết cho tách thửa với mục đích rõ ràng như con cái ra riêng.
Tuy nhiên, vị này thừa nhận việc phân lô đất nông nghiệp với hạn mức tối thiểu 500m2/thửa đang diễn ra rất phổ biến.
"Những người này mua có thể với mục đích lén ‘phân lô bán nền’, trục lợi nhưng không trái luật nên việc mua bán, tách thửa vẫn được thực hiện", vị này nói.