Kết phiên giao dịch 7-2, tức 28 tháng Chạp, VN Index tăng 10 điểm (tương đương 0,85) lên 1.198,5 điểm. Như vậy, với số điểm khởi đầu là 1.108,8 điểm thì tính chung cả năm Quý Mão, VN Index tăng xấp xỉ 90 điểm, tương đương mức tăng 8%.
Ngoại trừ nhóm ngành công nghệ thông tin tác động nhẹ lên chỉ số, các nhóm ngành còn lại đều đóng góp tích cực cho VN Index trong phiên tăng điểm hôm nay. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành góp sức nhiều nhất cho VN Index. Kế đến là các nhóm ngành như: bất động sản, chứng khoán, hoá chất, thép, xây dựng, hàng tiêu dùng.
Xét trên bình diện “cá nhân”, các mã cổ phiếu góp điểm số lớn nhất cho VN Index là TCB, CTG, VHM, VCB, MBB, VPB, HDB, VND, FPT, BID TPB, VIB, GVR, HPG, STB. Ở chiều ngược lại, các mã "hãm" đà tăng của chỉ số là MWG, VPI, HVN, HAG, DIG, LGC, TCH.
Dù bật tăng mạnh nhưng thanh khoản sàn HoSE lại đứng ở mức thấp với 685,6 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 15.506 tỷ đồng. Dẫn đầu về giá trị giao dịch là mã VND (1.048 tỷ đồng). Tiếp đến là các mã DBC (624 tỷ đồng), SSI (551 tỷ đồng), DIG (503 tỷ đồng), MBB (497 tỷ đồng).
Một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản đi xuống là việc khối ngoại chuyển sang bán ròng. Thống kê, nhà đầu tư ngoại bán ròng 656 tỷ đồng trên sàn HoSE. Theo đó, nhóm cổ phiếu bị bán mạnh nhất là NVL, VNM, VRE, MWG, PDR. Ngược lại, khối ngoại mua vào các mã VND, CTG, DBC, VPB, DCM.
Trái ngược với sự khởi sắc trên sàn HoSE, 2 chỉ số chứng khoán bên sàn Hà Nội là HNX Index và UPCoM Index cùng tăng nhẹ dưới 0,5 điểm. Kết phiên cuối cùng của năm Quý Mão, HNX Index đạt 231 điểm, còn UPCoM Index đạt 89,33 điểm.
Trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đạt gần 17.240 tỷ đồng.
Với kết thúc được cho là có hậu trong năm Quý Mão, nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán sẽ tiếp tục khởi sắc, thậm chí “bay cao như Rồng" trong năm tới. Sau phiên hôm nay, thị trường đóng cửa nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 trong 5 ngày. Theo kế hoạch, thị trường sẽ giao dịch trở lại ngày 15-2, tức Mùng 6 Tết.