Ngày 31/7, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ cấm TikTok tại Mỹ sớm nhất vào ngày 1/8. Quan chức Mỹ xem TikTok là nguy cơ an ninh quốc gia vì thuộc sở hữu của ByteDance, một công ty Trung Quốc. Quyết định từ bỏ TikTok của ByteDance sẽ cho thấy lời đe dọa cấm TikTok của ông Trump là một chiêu thức đàm phán hay có ý định cấm thực sự.
Trước đây, ByteDance vẫn mong muốn duy trì cổ phần nhỏ trong TikTok nhưng Nhà Trắng từ chối. Theo thỏa thuận mới được đề xuất, ByteDance sẽ thoái vốn hoàn toàn và Microsoft tiếp quản TikTok tại Mỹ. Microsoft sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ tất cả dữ liệu người dùng TikTok Mỹ.
Một số nhà đầu tư của TikTok có thể có cơ hội chiếm cổ phần nhỏ trong công ty. Khoảng 70% nhà đầu tư bên ngoài của ByteDance đến từ Mỹ.
Khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi vì thương mại, Hồng Kông, an ninh mạng và Covid-19, TikTok nổi lên như một điểm nhấn trong tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. ByteDance cân nhắc nhiều lựa chọn cho TikTok trước áp lực của Mỹ. Hãng nhận được một số đề nghị từ các nhà đầu tư như Sequoia và General Atlantic để chuyển phần lớn chủ sở hữu cho họ. Nhà đầu tư định giá TikTok khoảng 50 tỷ USD song vài quan chức ByteDance tin rằng TikTok giá trị hơn thế.
ByteDance mua lại Musical.ly năm 2017 với giá 1 tỷ USD và tái phát hành dưới tên TikTok vào năm 2018. ByteDance không xin cấp phép thương vụ tại Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS). Reuters cho biết CFIUS mở cuộc điều tra TikTok vào năm 2019.
Đầu năm nay, công ty game Beijing Kunlun Tech của Trung Quốc phải bán ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr mà họ mua năm 2016 với giá 620 triệu USD sau khi nhận được yêu cầu của CFIUS. Năm 2018, CFIUS buộc Ant Financial hủy kế hoạch mua MoneyGram International vì lo ngại an toàn dữ liệu.
ByteDance được định giá khoảng 140 tỷ USD vào đầu năm 2020. Phần lớn doanh thu của hãng đến từ quảng cáo trên các ứng dụng hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm Douyin – phiên bản nội địa của TikTok – và ứng dụng tổng hợp tin tức Jinri Toutiao cũng như ứng dụng truyền phát video Xigua và ứng dụng video hài hước Pipixia.