Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tham dự hội nghị tại 33 điểm cầu địa phương có các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua là thành viên Ban Chỉ đạo.
Ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 884/QÐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Ban Chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm sau đây: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc-Nam phía Ðông, Bến Lức-Long Thành, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Ðường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết...
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực, trong đó có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nước công nghiệp hiện đại phải có giao thông hiện đại, hạ tầng hiện đại. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc, trong khi từ năm 2000 tới năm 2021, cả nước mới hoàn thành được gần 1.100 km cao tốc.
Hiện nay, trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều triển khai các dự án lớn của ngành giao thông vận tải (gồm các dự án lớn trên 10.000 tỷ đồng phải báo cáo cấp có thẩm quyền; các dự án dưới 10.000 tỷ đồng; các dự án hợp tác công - tư).
Thủ tướng cho biết, nguồn vốn ngân sách tập trung cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải bao gồm nhiều nguồn: Từ cắt giảm các dự án đầu tư công trong nhiệm kỳ 2021-2025 xuống dưới 5.000 dự án so với trên 10.000 dự án trong nhiệm kỳ trước để tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm; huy động nguồn vốn Trung ương và địa phương; nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn vốn tăng thu và tiết kiệm chi.
Thủ tướng nêu rõ, những dự án đã được phân bổ vốn là "tiền tươi thóc thật", nhưng để giải ngân phải thực hiện theo đúng các quy trình, quy định, thủ tục. Khối lượng vốn phải giải ngân rất lớn so với các năm trước, đòi hỏi phải có những thay đổi về cách làm, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Do khối lượng công việc rất lớn, liên quan nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối các công việc, theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất xử lý các vướng mắc.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm việc là suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy; làm việc thực chất, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.