Theo Luật Quản lý thuế, người nộp thuế gồm tổ chức và cá nhân, song việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, quy định này không phù hợp với thực tiễn. Do đó, tại dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ hộ, cá nhân kinh doanh. Các đối tượng này chịu cùng quy định với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế. Nửa đầu năm, cơ quan thuế ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng và thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này. Con số này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).
Theo Bộ Tài chính, tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Ngoài tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ như kê biên tài sản, thu qua bên thứ 3 với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.