Cà phê Việt khởi đầu kỷ nguyên mới

(ĐTTCO) - Ngành cà phê Việt Nam đón nhận nhiều tin vui trong quý đầu tiên của năm 2024 như: lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu 1,38 tỷ USD, và lần đầu tiên xuất khẩu cà phê hữu cơ sang một trong những thị trường tiêu thụ khó tính nhất thế giới là Nhật Bản.

Cà phê Việt khởi đầu kỷ nguyên mới

Giá robusta tăng mạnh do đâu?

Tính tới 20-3, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động quanh mức 94.000 đồng/kg, sau khi đã thiết lập mức giá kỷ lục lần đầu tiên này vào thời điểm cuối tháng 2. Trên sàn ICE/EU, giá hợp đồng tương lai cà phê Robusta có thời điểm trong tháng 3 đã đạt mức 3.460 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 1995 cho đến nay.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), sản lượng cà phê mùa vụ 2023-2024 dự kiến tăng 5,8% lên mức 178 triệu bao (bao 60 kg), trong đó sản lượng của cà phê arabica tăng lên 102,2 triệu bao và cà phê robusta tăng lên 75,8 triệu bao.

Trong khi đó, ở phía cầu, sau khi trải qua mùa vụ 2022-2023 có mức tiêu thụ chỉ đạt 173,1 triệu bao (giảm 2% so với cùng kỳ), do ảnh hưởng của chi phí sinh hoạt cao, thu nhập khả dụng giảm. Ngược lại, triển vọng tiêu thụ cà phê thế giới cho vụ 2023-2024 được xây dựng dựa trên dự báo của đa số các tổ chức nghiên cứu cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 3%.

Do đó, ngành cà phê được nhận định sẽ phản ứng với sự sụt giảm lớn về tồn kho, điều này sẽ được phản ánh khi mức tiêu dùng toàn cầu vẫn tích cực rõ ràng. Tương tự, tiêu thụ cà phê thế giới dự kiến tăng 2,3% lên mức 177 triệu bao, trong đó các nước không sản xuất sẽ đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung, với mức tăng tiêu thụ cà phê ở nhóm quốc gia này là 2,1%.

ca-phê-Việt1.jpg

Dự kiến cán cân cung - cầu vẫn thặng dư khoảng 1 triệu bao cà phê trong mùa vụ 2023-2024. Mặc dù sản lượng vụ này vẫn chưa thiếu hụt, nhưng vấn đề nằm ở viễn cảnh diễn ra trong mùa vụ 2024-2025 sắp tới. Đối với loại cà phê Robusta, tập đoàn tài chính Marex Group Plc, dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ 2024-2025 sẽ thiếu hụt 2,7 triệu bao do sản lượng của Việt Nam bị sụt giảm.

Theo các nguồn tin ngành cà phê trong nước, các vùng cà phê ở Tây Nguyên đang bị khô hạn nghiêm trọng dẫn tới lo ngại về sản lượng trong thời gian tới. Trong khi hiện tại, tính đến giữa tháng 3, lượng tồn kho Robusta trên sàn ICE/EU chỉ còn khoảng 400.000 bao, tương đương khoảng 24.000 tấn và chỉ bằng gần 1/3 so với cùng thời điểm năm 2023.

Do đó, có thể thấy xu hướng tăng giá rất rõ đối với cà phê Robusta kể từ tháng 10-2023 đến nay với nguyên nhân trọng tâm là lượng tồn kho giảm xuống mức thấp, diễn ra cùng lúc với đánh giá triển vọng tiêu cực về sản lượng mùa vụ 2024-2025.

Cần chú trọng xu hướng “xanh”

Theo báo cáo mới nhất trong tháng 2 của Vietnambiz, với mỗi hecta cà phê hiện tại, sau khi trừ đi chi phí, nông dân có thể đạt được lợi nhuận hơn 220 triệu đồng. Với tình hình giá cà phê cao và triển vọng vẫn còn duy trì ở mức giá hiện tại trong mùa vụ 2024-2025, Hiệp hội Cà phê - Ca cao, kỳ vọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt kim ngạch 5 tỷ USD.

Việc giá cà phê Robusta tăng mạnh mang lại hiệu ứng rất tích cực đối với ngành nghề. Tuy nhiên, tình trạng khan hàng cũng dẫn tới khó khăn riêng trong câu chuyện của vài doanh nghiệp khi phải nhập thêm cà phê từ nước khác để đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Theo ghi nhận của Hải quan Brazil, lượng cà phê của nước này xuất khẩu sang Việt Nam trong tháng đầu năm nay đã tăng tới 700%. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là công ty tư vấn quản lý rủi ro Hedgepoint Global Markets ước tính thị phần của Việt Nam trên thị trường cà phê toàn cầu giảm dần trong thập niên qua và hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.

ca-phê-Việt.jpg

Bên cạnh việc giá tăng, triển vọng lạc quan đối với cà phê Việt Nam khi báo cáo của Vietnambiz cho thấy rằng tiêu thụ cà phê thế giới đang có sự chuyển dịch từ Arabica sang Robusta trong vài năm qua. Tỷ trọng của Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng đều đặn trong 3 mùa vụ gần nhất, từ mức 33,8% trong 4 tháng đầu niên vụ 2020-2021 lên 39,1% trong cùng kỳ niên vụ 2022-2023 và 39,3% của vụ 2023-2024.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Bỉ từ thị trường ngoại khối EU tăng 17,2%, từ mức thị phần 17,13% năm 2022 lên mức 20,08% trong năm 2023. Với diễn biến giá Robusta tăng mạnh và xu hướng tiêu thụ Robusta tăng lên là cơ hội để Việt Nam gia tăng sản lượng trong thời gian tới, sau khi chứng kiến thị phần giảm dần do sự cạnh tranh mở rộng nguồn cung Robusta của Brazil (quốc gia vốn đã đứng đầu về Arabica).

Trước sự cạnh tranh thị phần rất mạnh mẽ của Brazil đối với vị thế đứng đầu về Robusta, ngành cà phê nước ta cũng đang nhận thấy cần chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thay vì cạnh tranh về quy mô. Hiện tại giá Robusta đang cao do sản lượng bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nếu ngành cà phê trong nước ồ ạt tăng sản lượng trồng để tranh thủ kiếm lợi nhuận, sẽ sớm dẫn tới dư thừa nhanh chóng quay trở lại.

Trong khi đó, đối thủ là Brazil cũng đang cho thấy quyết tâm giành thị phần bằng cách tăng sản lượng. Vì vậy, việc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mới đây đã xuất được 40 tấn cà phê nhân hữu cơ sang thị trường Nhật Bản là dấu hiệu tích cực ban đầu.

Xu hướng cà phê “xanh” trên thế giới là cơ hội cho những doanh nghiệp chuyển hướng sang chú trọng nâng cao chất lượng bằng việc đầu tư phát triển cà phê hữu cơ, bởi phân khúc này mang lại giá trị cao hơn 45% so với cà phê thường.

Hãng Data Bridge Market Research đánh giá thị trường cà phê hữu cơ toàn cầu có giá trị 6,8 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ có giá trị gần 13 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 8,4%/năm từ 2022-2029.

Các tin khác