Nhiều doanh nghiệp đầu ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mặc dù đánh giá diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng nhất định trong những năm đầu của giai đoạn mới, nhưng doanh nghiệp sẽ phát huy vai trò đầu ngành, đảm bảo chiến lược và mục tiêu tăng trưởng, cũng như đóng góp thiết thực vào sự tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh.
Giữ vững vị thế chủ lực
Theo báo cáo tổng kết trong 5 năm qua (giai đoạn năm 2015-2020) bình quân mỗi năm Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) phát triển thêm 116 điểm bán và đến nay xây dựng được hệ thống 849 điểm bán tại 43 tỉnh, thành; thu hút khách hàng đến mua sắm đạt 350.000 lượt/ngày, tăng 26% so với đầu nhiệm kỳ. Doanh thu bình quân hằng năm của Saigon Co.op tăng 8,2% và chiếm 34% thị phần doanh thu bán lẻ của cả nước.
Cùng với đó, phát huy thế mạnh là một trong những hệ thống phân phối chủ lực, với nhiều mô hình bán lẻ mới, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp đầu tư ứng vốn cho nông dân và hợp tác xã; duy trì và phát triển chương trình “Tự hào hàng Việt” với số lượng tham gia của nhà sản xuất trong nước tăng hàng năm...
Đặc biệt, ngoài việc phát triển mô hình cửa hàng tiện ích và thương mại điện tử, Saigon Co.op cũng đã cho ra đời loại hình cửa hàng cao cấp FINELIFE đáp ứng nhu cầu mua sắm cho một bộ phận khách hàng có thu nhập cao; mạnh dạn đầu tư phát triển trung tâm thương mại, mô hình mua sắm kết hợp với vui chơi, giải trí...
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op đánh giá, hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục có nhiều tiềm năng trở thành nơi thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ quốc tế.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại diễn ra sâu rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước cũng làm thay đổi cấu trúc, cũng như cục diện của ngành bán lẻ.
Hơn thế nữa nữa, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có nhiều bước tiến đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ vào những cải tiến vượt bậc. Còn tâm lý người dân và xu hướng tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.
Trước bối cảnh này, ông Nguyễn Anh Đức cho biết Saigon Co.op sẽ nỗ lực hết sức trong việc tìm ra các giải pháp hiệu quả, đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững trong tương lai; trong đó, Saigon Co.op đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam; có mạng lưới bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả song song với phát triển thương mại điện tử.
Song song đó, Saigon Co.op xây dựng chuỗi cung ứng logistics hiện đại; hoạt động quản trị gắn liền với công nghệ hóa, điện toán hóa; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đáp ứng lòng tin yêu của người tiêu dùng trong cả nước...
Trên cơ sở này, Saigon Co.op tiếp tục giữ vững bản chất trong hoạt động và định hướng phát triển của hợp tác xã ngày càng lớn mạnh hơn, trở thành biểu tượng của sự thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể trong thời kỳ mới.
Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, Saigon Co.op đặt mục tiêu chiến lược với phấn đấu doanh thu tăng trưởng bình quân từ 6%-10%/năm; lợi nhuận trước thuế tăng bình quân từ 3%-5%/năm (mốc thời điểm 2019 là năm cơ sở); năng suất lao động tăng trưởng bình quân từ 6,5%-7%/năm; mở rộng mạng lưới đến cuối nhiệm kỳ đạt 1.500-2.000 điểm bán hoạt động...
Phát huy vai trò dẫn đầu
Tương tự, là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty du lịch Sài Gòn Trách nhiệm Một thành viên (Saigontourist Group) cũng công bố chiến lược sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2020-2025 sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu ngành trong những năm qua.
Cụ thể, Saigontourist Group phấn đấu khẳng định vị trí tập đoàn du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực trên những lĩnh vực kinh doanh doanh gồm lưu trú-ẩm thực-lữ hành-giải trí-đào tạo và các ngành phụ trợ tạo nên hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu đa dạng và cao cấp của khách hàng, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước; trong đó, mục tiêu tổng doanh thu hợp cộng của Saigontourist Group trong năm 2020 dự kiến sẽ là 11.500 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt 30.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân nhiệm kỳ là 24,7%.
Để đạt được chiến lược sản xuất kinh doanh đã đề ra, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Saigontourist Group cho biết, Saigontourist Group sẽ tăng cường liên kết hợp tác phát triển về du lịch với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Trung bộ, Tây Bắc và Đông Bắc...
Bên cạnh đó, Saigontourist Group triển khai đầu tư khai thác dự án Trung tâm Kinh tế-Du lịch-Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tại Saint Petersburg, Cộng hòa Liên bang Nga theo chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 2020-2025, Saigontourist Group cũng xác định là thời điểm quan trọng để tập trung thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp, nhất là tiếp tục tập trung cấu trúc lại mô hình để phát triển các ngành kinh doanh chính, nâng cao năng suất lao động, quản trị chuyên nghiệp gắn liền với áp dụng công nghệ, quản trị tiên tiến để thực thi chiến lược phát triển kinh doanh; trong đó, Saigontourist Group chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, thương hiệu, nguồn nhân lực… xây dựng doanh nghiệp thành tập đoàn kinh tế du lịch hàng đầu trong nước và khu vực.
Theo ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Saigontourist Group, phát triển thương hiệu Saigontourist Group theo chiều rộng và chiều sâu, nghiên cứu hình thức đa thương hiệu, thương hiệu nhánh và chuẩn hóa hệ thống nhận diện các đơn vị thành viên để các đơn vị hoạt động chuyên nghiệp cũng là mục tiêu quan trong của giai đoạn sắp tới.
Đặc biệt, gắn kết sức mạnh thương hiệu Saigontourist Group thông qua việc liên kết tất cả đơn vị thành viên hệ thống với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo sức mạnh tổng hợp, mở rộng thị trường, tăng thị phần và doanh thu, tiết kiệm chi phí.
Liên quan đến chiến lược phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp đầu ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhiều dự báo cho thấy trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ có những tác động lớn đến hoạt động thương mại dịch vụ của Việt Nam và thành phố. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung là thị trường thương mại, dịch vụ sôi động, cũng như còn nhiều dư địa phát triển.
Điển hình, từ năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, thành phố sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, tỷ trọng bán lẻ theo các hình thức phân phối hiện đại đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%.
Đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp gắn với định hướng phát triển của thành phố trong dài hạn trên cơ sở xác định các thế mạnh và phân tích rõ các cơ hội, thách thức đang đặt ra hiện nay.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay, nhu cầu nhân lực cho ngành bán lẻ, dịch vụ là rất lớn, nên bên cạnh chiến lược sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần giải quyết bài toán "khát nhân lực." Đồng thời, phát huy vai trò doanh nghiệp đầu ngành thì phải có chiến lược phát triển nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là nhân sự từ quản lý đến nhân sự quản lý trung cấp và cấp cao cả về kỹ năng quản trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ.
Về phía Thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn sẽ tạo những điều kiện thuận nhất từ cơ chế chính sách đến nguồn vốn để doanh nghiệp vươn ra biển lớn, nhưng vẫn giữ vững bản chất trong hoạt động và định hướng phát triển bền vững.