Các dự án điện than Trung Quốc đang đe dọa đến tương lai năng lượng xanh tại châu Phi

(ĐTTCO)-Ngay sau khi chính phủ Ghana đồng ý ký kết hợp đồng cùng với công ty năng lượng của Trung Quốc Shenzhen Energy Group, để xây dựng một nhà máy điện than 7.000 megawatt ở Ekumfi, các nhà hoạt động môi trường của nước này đã bắt đầu lo ngại.
Bản đồ các dự án điện than đang và sẽ triển khai trong tương lai tại châu Phi của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Global Energy Monitor
Bản đồ các dự án điện than đang và sẽ triển khai trong tương lai tại châu Phi của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Global Energy Monitor

Nhà hoạt động xã hội người Ghana, Chibeze Ezekiel cho biết, một khi nhà máy điện than này được đưa đưa vào sử dụng, hậu quả mà nó mang đến có thể gây ra hệ lụy rất lớn. Nước thải, hố tro và thủy ngân phát thải từ nhà máy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như kế sinh nhai của cộng đồng đánh bắt thủy hải sản và nông nghiệp ở địa phương.

Bên cạnh đó, khí thải sulfur dioxide phát ra từ nhà máy sẽ gây ra mưa axit, lượng axit có trong nước mưa sẽ thấm vào đất và đe dọa gây ô nhiễm nguồn nước sạch vốn đã khan hiếm tại nước này cũng như đe dọa đến khí hậu tại địa phương.

Chibeze Ezekiel được biết đến là một nhà hoạt động xã hội năng động tại Ghana, tổ chức phi chính phủ của ông mới đây đã thành công trong việc ngăn chặn một dự án trị giá 1,5 tỷ USD để xây dựng cảng nhập khẩu than để cung cấp nhiên liệu cho hoạt động của nhà máy. Ông còn thành lập một chiến dịch truyền thông xã hội nêu ra những hậu quả mà dự án điện than của công ty Trung Quốc sẽ để lại cho môi trường và cộng đồng sở tại cũng như đưa ra những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn nếu các dự án về năng lượng xanh được áp dụng tại Ghana.

Chính phủ Ghana đã hủy bỏ một dự án điện than vào năm 2016. Tổng thống Nana Akufo-Addo cho biết các chính sách điện năng mới sẽ dựa trên các công nghệ điện tái tạo từ gió và năng lượng mặt trời. Đây được xem là nỗ lực cắt giảm carbon của Ghana theo Thỏa thuận chung Paris vào năm 2015.

Dù vấp phải những ý kiến phản đối có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tên tuổi của mình nhưng các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án xây dựng nhà máy điện than.

Tháng 7 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guiteres đã hối thúc các quốc gia ngừng cung cấp tài chính cho ngành công nghiệp than. Thậm chi vào tháng 9, Trung Quốc cũng cam kết sẽ giảm lượng phát thải carbon cho đến trước năm 2060. Đây được xem là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các mục tiêu cụ thể để cắt giảm mức phát thải carbon của mình.

Tuy nhiên, bất chấp các lời hứa này, các ngân hàng vfa các công ty Trung Quốc vẫn đang tài trợ cho 7 nhà máy than ở châu Phi cùng 13 nhà máy khác đang được triển khai, chủ yếu nằm ở các quốc gia vùng hạ Sahara

Một mặt tuyên bố giảm thải nhưng mặt khác, Trung Quốc lại thể hiện một lập trường khác biệt. Theo Trung tâm Chính sách Phát triển toàn cầu của đại học Boston, từ năm 2000, chỉ riêng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã tài trợ 6,5 tỷ USD cho các dự án điện than tại châu Phi.

Vào tháng 10 năm nay, công ty PowerChina của Trung Quốc đã bổ sung thêm 223 nhân công tại Zimbabwe để đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án điện than tại quốc gia này. Đối với Zimbabwe, điện than có giá thành rẻ là một giải pháp hữu hiệu cho nền kinh tế yếu ớt của quốc gia này. Có được nguồn năng lượng cần thiết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia sẽ có thể gia tăng nhanh chóng.

Tại Nam Phi, dự án nhà máy điện than Musina-Makhado trị giá 10 tỷ USD với công suất 3.000 watt sẽ được các công ty Trung Quốc tài trợ, bên cạnh đó còn có các công ty tư nhân vfa quốc doanh tham gia, riêng PowerChina của Trung Quốc đã đầu tư 4,5 tỷ USD và dự án này.

Và tương tự như ở Ghana, luật sư Michelle Koyama của Trung tâm Phi lợi nhuận về Quyền môi trường (CER) đã lên tiếng phản đối dự án khổng lồ này. Ông Michelle Koyama cho biết: “Nam Phi không thể “gánh” nổi dự án khổng lồ gây ô nhiễm, tốn kém và phát thải khí carbon như thế này. Nam Phi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán và khan hiếm nguồn nước. Ảnh hưởng môi trường của dự án này có thể khiến tình hình tại Nam Phi sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Với những hành động tài trợ này, Trung Quốc có thể đối mặt với các cuộc chiến pháp lý đến từ các nhà hoạt động môi tường tại các nước châu Phi. Theo ông Ezekiel: “Nếu các công ty Trung Quốc tiếp tục tàn phá môi trường tại châu Phi bằng các dự án điện than của họ, chúng tôi sẽ khởi động các vụ kiện tụng mà phần thắng vốn đã nghiêng về phía chúng tôi.”

Các tin khác