Các hãng dược lớn trên thế giới kiếm lợi nhuận khổng lồ từ vắc-xin chống Covid-19

(ĐTTCO) - Thông tin của tổ chức Oxfam vừa công bố hôm nay (14-5) cho biết, chi phí nghiên cứu, phát triển vắc-xin cho một nửa dân số nghèo nhất thế giới (khoảng 3,7 tỷ người) để ngăn ngừa virus corona (Covid-19) còn ít hơn lợi nhuận của 10 hãng dược lớn nhất trong vòng 4 tháng.
Các hãng dược lớn trên thế giới kiếm lợi nhuận khổng lồ từ vắc-xin chống Covid-19
Oxfam trích dẫn số liệu ước tính của Quỹ Bill & Melinda Gates cho thấy, chi phí mua sắm và chuyển giao vắc-xin an toàn và hiệu quả cho những người nghèo nhất thế giới vào khoảng 25 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2019, 10 hãng dược lớn nhất thế giới đạt lợi nhuận lên tới 89 tỷ USD (trung bình gần 30 tỷ USD chỉ trong 4 tháng).
Tháng 3-2020, hãng dược Gilead đã chuyển hướng mở rộng độc quyền đối với một loại thuốc điều trị Covid-19 tiềm năng, và chỉ từ bỏ sau khi vấp phải sự phản đối của công chúng. Gilead hiện nay đã viện trợ phần lớn nguồn cung cấp thuốc remdesivir cho chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, các báo cáo tin tức cho rằng công ty này có thể kiếm lợi đáng kể từ việc sản xuất thuốc tiếp theo. 
Các nhà phân tích phố Wall cho rằng Gilead tính chi phí điều trị cao hơn 4.000USD cho mỗi bệnh nhân, mặc dù giá thành sản xuất thuốc chỉ khoảng 9USD/người.
Rất nhiều nước nghèo không thể tiếp cận được các vắc-xin và thuốc điều trị, do các quy định về bằng sáng chế cho phép các hãng dược độc quyền và có quyền định giá cao hơn khả năng chi trả của người bệnh. Bệnh viêm phổi là sát thủ nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 5 tuổi, hiện đang cướp đi 2.000 mạng sống mỗi ngày. 
Trong vòng hơn một thập niên, hàng triệu trẻ em không được tiêm vắc-xin do hãng dược Pfizer và GlaxoSmithKline định giá quá cao. Sau nhiều năm đấu tranh của tổ chức Thầy thuốc Không biên giới, cả 2 hãng đã giảm giá bán vào năm 2016, tuy nhiên chỉ giảm cho những nước nghèo nhất, khiến hàng triệu trẻ em vẫn không thể tiếp cận được vắc-xin.
Ông Jose Maria Vera, Quyền Giám đốc điều hành của Tổ chức Oxfam Quốc tế cho biết: “Vắc-xin và bộ xét nghiệm và thuốc điều trị nên được cung cấp theo nhu cầu, chứ không phải qua đấu giá. Chúng ta cần vắc-xin, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị an toàn và không bảo hộ độc quyền được sản xuất đồng loạt trên toàn cầu, kèm theo một kế hoạch phân bổ công bằng và minh bạch”.
Theo Oxfam, khi vắc-xin và thuốc điều trị được sản xuất, sẽ xảy ra nguy cơ cao là các nước giàu có sẽ thắng thầu và các nước nghèo sẽ phải đợi, như họ đã làm trong cuộc cạnh tranh các thiết bị y tế thiết yếu khác như đồ bảo hộ và máy thở. Oxfam cho biết, trước thềm Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra vào tuần tới, tổ chức này sẽ hối thúc chính phủ các nước và hãng dược đảm bảo vắc-xin, bộ xét nghiệm và điều trị sẽ không được bảo hộ độc quyền sáng chế mà phải được cung cấp công bằng đến tất cả các quốc gia và người dân. 
Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18-5 tới đây với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế từ 194 quốc gia.
Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết gửi Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã đề xuất kêu gọi đồng sáng chế mang tính tự nguyện cho vắc-xin ngừa Covid-19, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị. Nếu đề xuất này trở thành bắt buộc và được áp dụng toàn cầu, thì tất cả các nước sẽ có thể sản xuất, hoặc nhập khẩu vắc-xin, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị với chi phí thấp. 
Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ cho thấy đang có những nỗ lực nhằm loại bỏ các đề xuất về đồng sáng chế và nhấn mạnh việc tôn trọng độc quyền sáng chế của các công ty dược. Điều đó sẽ giúp các công ty này có thể độc quyền sản xuất và định giá bất kỳ loại vắc-xin, phương pháp điều trị và bộ xét nghiệm. Trong khi đó, có thể tiền thuế do người dân đóng góp đang được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các công ty dược.     

Các tin khác