Thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông, riêng tháng 3-2020, hệ thống phát hiện cuộc gọi rác đã tìm ra khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Cuộc gọi rác tập trung nhiều vào các dịch vụ: rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh…
Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn (Robocall). Thực trạng này khiến việc quản lý, kiểm soát cuộc gọi rác ngày càng khó khăn, phức tạp. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp liên quan đang tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Cục Viễn thông Bộ TT-TT đã ra văn bản gửi các nhà mạng về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác. Theo đó, thống nhất với các nhà mạng về cách hiểu thế nào là cuộc gọi rác. Văn bản cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của nhà mạng đối với việc ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng. Việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ dựa trên 5 tiêu chí: số lượng cuộc gọi bất thường, tần suất cuộc gọi, khoảng cách giữa các cuộc gọi, độ dài cuộc gọi và phản hồi của người dùng di động đối với cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Cục Viễn thông sẽ công bố định kỳ kết quả ngăn chặn cuộc gọi rác của các nhà mạng.
Đây sẽ là thông tin tham khảo để người dân có thể đánh giá hiệu quả ngăn chặn cuộc gọi rác của từng doanh nghiệp, từ đó đưa ra sự lựa chọn nhà mạng cho mình. Theo cam kết với Cục Viễn thông, Viettel sẽ bắt đầu triển khai các biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi rác kể từ ngày 1-7.
VinaPhone và MobiFone sẽ bắt đầu chặn cuộc gọi rác trước thời điểm ngày 1-8. Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Gtel, Đông Dương Telecom, Hà Nội Telecom, sẽ thực hiện việc chặn cuộc gọi rác trước ngày 1-10-2020.