Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu giảm dần các biện pháp cách ly và những hạn chế nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng đang nỗ lực tránh làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể gây quá tải hệ thống y tế.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 4/4 đã gia hạn việc đóng cửa đất nước thêm 2 tuần cho đến ngày 26/4 tới, song lệnh cấm vào tháng trước đối với tất cả các hoạt động không quan trọng, bao gồm cả sản xuất và xây dựng, sẽ được dỡ bỏ sau lễ Phục sinh. Thủ tướng Sanchez khẳng định sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, Tây Ban Nha sẽ trở về cuộc sống bình thường và khôi phục nền kinh tế. Trong hai tuần qua, nhóm nghiên cứu dịch tễ học nước này đã nghiên cứu kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, ông Angelo Borrelli, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tuyên bố rằng “giai đoạn hai” đóng cửa đất nước có thể bắt đầu vào tháng tới. Ông cho biết từ nay đến ngày 16/5 tới, Italy có thể có thêm các số liệu tích cực cho phép việc khôi phục hoạt động và sau đó nước này sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn hai.
Đan Mạch, một trong những nước đầu tiên ngừng hoạt động và đóng cửa biên giới, trở thành quốc gia đầu tiên vào tuần trước đưa ra lịch trình dỡ bỏ các hạn chế. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 30/3 nêu rõ nếu sau lễ Phục Sinh, biện pháp giãn cách xã hội giúp các số liệu về COVID-19 trở nên ổn định và tạo cơ sở cho việc nới lỏng hạn chế, chính phủ sẽ từng bước khôi phục các hoạt động một cách có kiểm soát.
Italy hiện là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 15.887 ca. Tuy nhiên, trong ngày 5/4, Italy ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần qua (tăng thêm 525 ca) và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố số liệu báo cáo ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong ngày 4/4 là 674 ca - mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm. Hiện tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 ở nước này là 12.418 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở quốc gia châu Âu này lại tăng 4,8%, lên 130.759 ca. Tây Ban Nha hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, sau Mỹ.