Các nước đang phát triển: Nguy cơ suy thoái kinh tế

(ĐTTCO) - Việt Nam hiện nhập khẩu máy móc thiết bị có công nghệ phần lớn từ những nước có trình độ công nghệ tiên tiến, song thực chất như một sự phụ thuộc do chúng ta không có sự lựa chọn, bởi trình độ sản xuất nội địa chưa đủ thay thế. Và khi giá cả của nhóm hàng hóa vốn này gia tăng, sẽ gây tác động tiêu cực đến đầu tư và giá vốn đầu tư. 
Công nghệ làm thay đổi giá cả
Đo lường của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại thị trường mới nổi và các nước đang phát triển về mức độ đầu tư thực vào máy móc và thiết bị tính theo phần trăm GDP thực, cho thấy quy mô đầu tư tăng mạnh mẽ và liên tục trong nhiều thập niên qua.
Cụ thể, giá trị đầu tư đạt dưới 3% GDP thực vào những năm 1990, tăng liên tục qua các năm và gần đây luôn duy trì trên 6% GDP thực. Do vậy khi diễn tiến căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế của thế giới, thì mức độ đầu tư và giá cả của đầu tư mua sắm những hàng hóa vốn, tư liệu sản xuất sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong căng thẳng thương mại một cách trực tiếp.
Vì mỗi khi lá chắn thuế được triển khai để bảo hộ kinh doanh nội địa hay để cân bằng cán cân thương mại, nó cũng trực tiếp làm tăng giá của hàng hóa vốn. 
Trong bối cảnh trên, để tạo lợi thế cạnh tranh về giá, các nước phát triển có xu hướng đặt khâu sản xuất ở những nơi chi phí nhân công rẻ, có tiêu chuẩn xử lý chất thải, môi trường ít tốn kém…
Điển hình là Trung Quốc, từ quốc gia không thuộc top 10 trở thành công trường của thế giới, hiện đang có GDP lớn thứ 2 toàn cầu. Nhiều dự báo cũng đã nhìn thấy tiềm năng để Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới trong tương lai gần. 
Các nước đang phát triển: Nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh 1 Biểu đồ tương quan giá hàng hóa vốn và mức độ đầu tư tại thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển trong thời kỳ 1990-2014. Đường màu đỏ: Giá tương đối của máy móc, thiết bị so với hàng tiêu dùng tính theo phần trăm GDP thực ngày càng giảm tại những nước đang phát triển. Đường màu xám: Mức độ đầu tư tính theo phần trăm GDP thực ngày càng gia tăng. Nguồn: phân tích của IMF.  
Yếu tố giải thích cho sự tăng trưởng này chính là giá cả tính trên mỗi đơn vị máy móc, thiết bị có xu hướng giảm mạnh. Theo dữ liệu thu thập và đo lường của IMF, từ 1990 đến nay giá tương đối của hàng hóa tiêu dùng và máy móc, thiết bị có vai trò là hàng hóa vốn, đã giảm khoảng 40% ở những thị trường mới nổi.
Một thí dụ gần gũi nhất có thể minh họa là giá máy tính. Trước những năm 1990, mỗi máy tính xấp xỉ 28.000USD, nay 1 máy tính với cấu hình và công năng còn vượt trội hơn có giá chỉ bằng 10% trước kia, không tới 300USD. 
Trình độ công nghệ là một trong những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ tổng cung hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế trong dài hạn lẫn ngắn hạn. Nó giúp gia tăng sản lượng cung hàng hóa nói chung do năng suất sản xuất gia tăng, từ đó tạo điều kiện hạ giá thành đơn vị.  

Lá chắn thuế được dựng lên
Trong quá trình hội nhập toàn cầu, các quốc gia có xu hướng kết lại thành từng nhóm, như các hiệp định thương mại tự do gần đây Việt Nam tham gia (CPTPP, EVFTA, EVITA…) Trọng tâm là những thỏa thuận tạo điều kiện mở cửa nền kinh tế, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, mang lại sự cạnh tranh về giá tạo điều kiện thương mại hóa, hội nhập và toàn cầu hóa.
Căng thẳng thương mại mà trọng điểm giữa Mỹ và Trung Quốc, là cú sốc cho xu hướng hội nhập. Mặc dù điều các phía mong đợi không phải là kết quả đóng cửa các nền kinh tế, ngừng giao thương, mà chỉ là xu hướng thương mại công bằng hơn cho cán cân thương mại. 
Vì thế, khi căng thẳng thương mại diễn ra, xu hướng này coi như bị đảo chiều, lá chắn thuế có thể áp dụng linh hoạt lên mọi mặt hàng để bảo vệ sản xuất nội địa. Điều này có thể đe dọa cho tiềm năng đầu tư vào thị trường mới nổi.
Bởi lẽ, bên cạnh việc giá cả bị bóp méo do thuế, chưa biết được mặt hàng nào trong tương lai sẽ bị đưa vào danh sách đánh thuế. Chuỗi cung ứng toàn cầu bấp bênh, thiếu ổn định, ngày nay giá cả  nhóm hàng này rẻ nhưng chưa chắc ngày mai sẽ như vậy, bởi lá chắn thuế là một chính sách tài khóa, có thể thay đổi bất cứ khi nào chính phủ nước đó muốn thực thi. 
Đầu tư là thành phần biến đổi nhạy trong những biến động kinh tế ngắn hạn. Trong một chu kỳ kinh doanh, tăng trưởng thường gắn liền với GDP thực tăng. Và sự bất ổn ở chính sách tài khóa sử dụng trả đũa trong căng thẳng thương mại bất thường khó đoán, khó biết trước trong tương lai mặt hàng nào sẽ bị tăng thuế, hay tăng giá.
Chuỗi cung ứng toàn cầu mang nhiều yếu tố rủi ro, rung lắc và có thể thay đổi khi một chính sách mới bất chợt được ban hành. Đây là nguy cơ suy thoái kinh tế đối với các nước đang phát triển.  
 Hàng hóa vốn (Capital goods) là máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm và cung ứng dịch vụ mới nói chung. Giá cả hàng hóa vốn tăng, có tương quan nghịch làm quy mô đầu tư giảm, giá vốn của những khoản đầu tư cho sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho tương lai tăng.

Các tin khác