Các nước mới nổi tăng cường trữ vàng

Giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ đang trầm trọng, lượng vàng dự trữ tại các ngân hàng trung ương lại đạt mức cao chưa từng có kể từ năm 1972. Và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi, với mong muốn đa dạng hóa tài sản dự trữ, đã mua rất nhiều vàng.

Giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ đang trầm trọng, lượng vàng dự trữ tại các ngân hàng trung ương lại đạt mức cao chưa từng có kể từ năm 1972. Và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi, với mong muốn đa dạng hóa tài sản dự trữ, đã mua rất nhiều vàng.

Trong gần 40 năm qua, vàng chưa bao giờ là tài sản tích trữ phổ biến đối với các ngân hàng trung ương. Nhưng nay đã khác. Theo một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, chính phủ các nước đã mua vào 148,4 tấn vàng trong quý III vừa qua. Kể từ đầu năm, cách ngân hàng trung ương đã mua 348 tấn kim loại quý và con số này có thể lên đến 450 tấn từ nay cho đến cuối tháng 12.

Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ. Xu hướng này đang phổ biến tại các quốc gia có nền kinh tế  mới nổi. “Các nước này đang tìm các bảo vệ nguồn dự trữ của mình bằng những tài sản an toàn. USD đang dần kém hấp dẫn và họ muốn đầu tư vào cái gì đó chắc chắn hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh niềm tin bị xói mòn như hiện nay, các quốc gia mới nổi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Hoa Kỳ, vốn đang ngập trong nợ nần và suy thoái” - Andrea Tueni, nhà phân tích thị trường của ngân hàng Saxo, giải thích. 

Trung Quốc đã qua mặt Ấn Độ, trở thành thị trường vàng trang sức lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đã qua mặt Ấn Độ, trở thành thị trường vàng trang sức lớn nhất thế giới.

Đi đầu trong việc mua vàng hiện nay là Trung Quốc. Dự trữ vàng của quốc gia này đã tăng 76% kể từ năm 2003. Năm ngoái, Trung Quốc mua 400 tấn, nâng mức dự trữ lên 1.054 tấn vào tháng 11 và trở thành nước nắm giữ vàng nhiều thứ 6 trên thế giới, xếp ngay sau Pháp (2.435 tấn). Năm 2010, Hàn Quốc cũng lần đầu tiên mua vào gần 25 tấn vàng kể từ 10 năm qua. Dự trữ vàng của nước này đạt 39,4 tấn (xếp thứ 46).

Ấn Độ mua vào 200 tấn vào năm 2009 và nắm giữ 557,7 tấn (xếp thứ 11). Nga đã nâng mức dự trữ vàng vào mùa hè này và hiện có 851,5 tấn (xếp thứ 8). Tại Mỹ Latin, Ngân hàng Trung ương Mexico đã mua 100 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 105 tấn (xếp thứ 32).

Lần đầu tiên trong vòng 13 năm qua, Ngân hàng Trung ương Colombia mua vào gần 2 tấn vàng và hiện có 9,2 tấn (xếp thứ 65).

“Một mặt, vì các quốc gia phát triển đang sở hữu một lượng lớn vàng và muốn nắm giữ vàng như một tài sản bảo hiểm. Mặt khác, các quốc gia có nền kinh tế mới nổi muốn giữ vàng để bảo đảm cho đồng tiền của mình. Họ đã sử dụng lượng dự trữ USD khổng lồ của mình để mua vàng” - Sylvain Sérandour, quản lý tại Fédéral Finance, nói.

Tuy nhiên, dự trữ vàng của các nước mới nổi vẫn còn thấp so với 5 quốc gia nắm giữ vàng nhiều nhất thế giới. Vàng đang chiếm 75,5% dự trữ của Hoa Kỳ (8.133 tấn) và hơn 70% đối với các nước Đức, Italia và Pháp. Con số này là 1,7% tại Trung Quốc, 4% tại Mexico, 8% tại Nga và 9% tại Ấn Độ.

Vì thế, trong tương lai các giao dịch mua vàng của các nước mới nổi dự kiến sẽ tăng cao. Thí dụ Trung Quốc đang cho thấy rõ dự định sẽ tăng đến 10% dự trữ bằng vàng.

Một xu hướng khác được đề cập đến trong báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới là nhu cầu về vàng trang sức. Trong khi nhu cầu vàng đầu tư của thế giới tăng 33% lên hơn 468 tấn vào quý III-2011, nhu cầu vàng trong lĩnh vực trang sức lại giảm 10%, xuống còn 465,6 tấn.

Đáng nói hơn, nhu cầu vàng trang sức của Ấn Độ, quốc gia có truyền thống dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, đã giảm 26%, xuống còn 125,3 tấn do giá vàng tăng cao (đạt kỷ lục 1.921USD/ounce vào tháng 9-2011). Điều này đã đẩy Trung Quốc lên, trở thành thị trường trang sức lớn nhất thế giới.

Nhu cầu vàng trang sức của nước này đã tăng 13%, lên 131 tấn. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 55% nhu cầu vàng trang sức toàn cầu, 35% nhu cầu vàng nén và mề đay bằng vàng.

Các tin khác