Cải cách DNNN: Cần xác định chiến lược ưu tiên

Vì sao ADB giảm dự báo tăng trưởng?

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam đạt 5,2% (thấp hơn mức 5,4% ADB đưa ra cuối năm ngoái). Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào việc đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, Việt Nam cần có cách tiếp cận mang tính chiến lược và tính chọn lựa hơn đối với cải cách DNNN vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc.

Vì sao ADB giảm dự báo tăng trưởng?

Lý giải về việc hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho biết theo báo cáo của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong năm 2013.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng tín dụng 12%, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) 14-16%, giảm so với mức tăng trưởng thực 22,4% của năm ngoái. Về chính sách tài khóa, Chính phủ duy trì mục tiêu thâm hụt ngân sách 4,8%.

Tiêu dùng cá nhân sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát giảm, mặc dù thị trường lao động suy yếu vẫn là một yếu tố cản trở. Triển vọng đầu tư đã được cải thiện nhờ cam kết FDI từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, câu hỏi về sự lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục là sức ép đối với đầu tư tư nhân trong nước. GDP tăng trưởng 4,9% trong quý đầu tiên của năm 2013, cao hơn một ít so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,9% và doanh số bán lẻ tăng 4,5%, có phần giảm so với cùng kỳ năm 2012.

“Cân nhắc tất cả các yếu tố trên, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 5,2% trong năm 2013 và sẽ tăng 5,6% trong năm 2014 nếu Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng, các nền kinh tế công nghiệp lớn lấy lại đà phát triển” - ông Dominic Mellor nói.

Các chuyên gia kinh tế của ADB cũng cảnh báo một số rủi ro đối với tiến trình cải cách của Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh tới sự thiếu lành mạnh của hệ thống ngân hàng và số liệu nợ xấu chưa rõ ràng. Trong khi đó, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm mạnh trong năm 2012, ảnh hưởng tới dòng tiền. Giá bất động sản lao dốc cũng gây tác động đến khu vực tài chính, đó là khả năng trả nợ của doanh nghiệp gặp khó khăn, giá trị tài sản sụt giảm.

ADB dự báo lạm phát của Việt Nam khoảng 7,5% vào cuối năm 2013, thấp hơn so với dự báo trước đây do nhu cầu nội địa vẫn ở mức thấp. Lạm phát năm 2014 dự kiến sẽ tăng lên 8,2% với giả định các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các chính sách kích thích tăng trưởng được kiểm soát chặt chẽ.

Chọn lọc DNNN tái cơ cấu

Sự yếu kém của DNNN đã bóp méo hiệu quả phân bổ nguồn lực nền kinh tế. Nguồn lực không đến được với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Chính phủ hiện vẫn có cơ chế trợ cấp, ưu tiên cho DNNN trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ công và hàng hóa công. DNNN hoạt động yếu kém cũng dẫn tới việc cung cấp dịch vụ công và hàng hóa công kém hiệu quả.

Ông Tomoyuki Kimura,
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam

Theo các chuyên gia ADB, rủi ro lớn nhất của Việt Nam là tính hiệu quả trong cải cách DNNN chưa cao. Vì vậy, Việt Nam cần có quyết tâm và cam kết cao hơn về cải cách DNNN. Tuy nhiên, nhiều DNNN hiện có gánh nặng nợ rất cao nên để tái cơ cấu sẽ cực kỳ tốn kém và khó khăn.

Vì thế, theo ADB, cần xác định không thể tái cơ cấu toàn bộ trong cùng một lúc mà phải chọn doanh nghiệp nào phù hợp nhất để làm trước. Khi có hiệu quả sẽ có tác động lan tỏa đến những doanh nghiệp khác.

Liên quan đến tranh luận vừa qua về vấn đề nên cứu thị trường bất động sản (BĐS) hay để thị trường tự điều chỉnh, ông Dominic Mellor phân tích: "Thời gian qua nguồn cung BĐS quá lớn nhưng chủ yếu tập trung nhà ở cao cấp. Gói hỗ trợ dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhằm vào khu vực nhà ở xã hội, nhóm đối tượng có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương. Như vậy, gói cứu trợ này có mục tiêu khá cụ thể, nếu triển khai đúng đối tượng sẽ có tác dụng. Nhưng với quy mô như vậy chỉ có ý nghĩa là an sinh xã hội, còn thị trường BĐS nói chung vẫn sẽ gặp khó khăn”.

Tuy nhiên, ông Dominic Mellor cũng cho rằng, Chính phủ không có lý do gì để cứu những doanh nghiệp BĐS hoạt động kém hiệu quả, mà nên để thị trường tự điều chỉnh.

Bình luận về mô hình công ty quản lý tài sản mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng để xử lý nợ xấu, ông Tomoyuki Kimura cho rằng nếu công ty này để chỉ đơn thuần mua nợ xấu của các ngân hàng, sau đó giữ trên bảng cân đối tài sản của mình thì không thể giải quyết được vấn đề, vì khi đó nợ xấu vẫn nằm trong nền kinh tế.

Theo ông, mô hình cần được xây dựng theo hướng công ty quản lý tài sản phải tham gia sâu quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp có khoản nợ xấu. Có vậy, các khoản nợ xấu mới có cơ hội xử lý được và có thể mua bán được trên thị trường khi doanh nghiệp tái cơ cấu thành công.

Các tin khác