Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình:

Cải cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc

LTS: Năm 2012 nền kinh tế nước ta đối diện nhiều thách thức nhưng cũng là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2011-2015). Trả lời phỏng vấn báo ĐTTC nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình (ảnh) nhấn mạnh thông điệp trong năm mới đối với ngành ngân hàng: “Cải cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc - Phát triển nhanh, chất lượng, bền vững”.

LTS: Năm 2012 nền kinh tế nước ta đối diện nhiều thách thức nhưng cũng là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2011-2015). Trả lời phỏng vấn báo ĐTTC nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình (ảnh) nhấn mạnh thông điệp trong năm mới đối với ngành ngân hàng: “Cải cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc - Phát triển nhanh, chất lượng, bền vững”.

Hiệu quả vốn tín dụng gia tăng

PHÓNG VIÊN: - Năm 2011, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng về cơ bản những kết quả đạt được là rất quan trọng: GDP tăng trưởng xấp xỉ 6%, lạm phát bước đầu đã được kiềm chế mặc dù còn ở mức cao; kinh tế vĩ mô có chuyển biến tích cực... Thưa Thống đốc, ngành ngân hàng đã đóng góp vào các kết quả đó như thế nào?

- Thống đốc NGUYỄN VĂN BÌNH: - Năm 2011, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 12-13%. Đây là mức thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới của nền kinh tế.

Trung bình 10 năm qua (2000-2011) tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 29,4%; 5 năm gần đây (2006-2011) là 33%. Thống kê cho thấy năm 2011 chúng ta đã kiềm chế lạm phát ở mức 18,12%.

Hãy thử giả định năm 2011 tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 29,4% hoặc 33% như các năm trước lạm phát sẽ ở mức nào?

Theo tính toán sơ bộ của NHNN lạm phát sẽ ở mức 25-27%. Như vậy có thể thấy rằng hoạt động tín dụng ngân hàng đã có đóng góp rất quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát.

Hoạt động ngân hàng cũng đóng góp to lớn vào tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tăng trưởng kinh tế năm nay vào khoảng 5,9-6%. So với thế giới đây là mức tăng trưởng vào loại cao.

Tuy nhiên với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam, đây là mức tăng trưởng hợp lý (không nóng quá cũng không mất đi động lực của quá trình phát triển lâu dài). Ở nước ta, hệ thống ngân hàng đáp ứng trên 80% nhu cầu vốn của cả nền kinh tế.

Những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng không cao hơn bao nhiêu (7 - 8%), nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng thường từ 5 đến 7 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Năm nay tỷ lệ này chỉ là 2 lần. Điều này cho thấy tín dụng ngân hàng đã được đầu tư hiệu quả hơn.

Thực tiễn đã chứng minh, dù tín dụng chung cho cả nền kinh tế chỉ tăng 12-13%, nhưng tín dụng cho khu vực sản xuất đã tăng trên 15%, tín dụng phi sản xuất; đặc biệt bất động sản, chứng khoán giảm mạnh.

Hoạt động của hệ thống ngân hàng năm qua đã góp phần điều chỉnh mức đầu tư toàn xã hội quá nóng trong những năm trước (từ mức trung bình 42-44% xuống mức 35-37%) nhưng hiệu quả đầu tư được nâng lên rõ rệt. Hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng làm giảm nhập siêu.

Đầu năm 2011, chúng ta chỉ dám đề ra mục tiêu phấn đấu nhập siêu ở mức 16% kim ngạch xuất khẩu và triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nhập siêu. Biện pháp kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là giải pháp quyết định, làm cho nhập siêu đạt mức thấp ngoài mức mong đợi, là khoảng 10%.

Giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu, tăng kiều hối qua hệ thống ngân hàng, du lịch tăng trưởng khá, vốn ODA ổn định và được giải ngân tốt là các yếu tố rất tích cực làm cho cán cân thanh toán tổng thể nước ta năm 2011 thặng dư trên 2,5 tỷ USD (lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây).

Tỷ giá ngoại hối về cơ bản được giữ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện một bước, vị thế của VNĐ được củng cố. Kể từ sau lần điều chỉnh tỷ giá với mức điều chỉnh 9,3% vào tháng 2-2011, hơn 10 tháng còn lại của năm 2011 tỷ giá chính thức được điều chỉnh không quá 1%, tỷ giá giao dịch thật trên thị trường liên ngân hàng cũng như thị trường chợ đen cũng biến động không quá 1,5%.

So sánh giữa đầu tư vào VNĐ và USD cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về VNĐ. Đó là kết quả bước đầu rất quan trọng để lấy lại niềm tin của nền kinh tế vào giá trị của VNĐ. Thị trường vàng cũng được củng cố một bước. Bên cạnh vẫn đảm bảo các quyền cơ bản của người dân về vàng, đã dần hình thành cơ chế để bình ổn giá vàng, tạo tiền đề cho việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý thị trường vàng năm 2012.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao các đóng góp của hệ thống ngân hàng vào kết quả chung của năm 2011. Toàn hệ thống ngân hàng năm qua đã phải “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí phải hy sinh rất lớn để thực hiện mục tiêu vĩ mô là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Chặt chẽ, linh hoạt

- Năm 2012, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ như thế nào?

- Năm 2012 dự báo kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, không thuận lợi; kinh tế vĩ mô trong nước chưa vững chắc.

Vì thế, ngành ngân hàng cần đồng lòng phấn đấu theo phương châm: thắt lưng buộc bụng, đẩy lùi lạm phát, củng cố kinh tế vĩ mô đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội; quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm cải cách toàn diện, sâu sắc nền kinh tế; xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh nhưng chất lượng và bền vững cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Chính sách tiền tệ năm 2012 về cơ bản vẫn là chính sách tiền tệ chặt chẽ, nhưng sẽ được điều hành chủ động và linh hoạt, vừa tháo gỡ được những khó khăn tồn tại trước mắt của nền kinh tế vừa tạo cơ sở vững chắc cho ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2012 và những năm tiếp theo.

- Thưa Thống đốc, vấn đề được doanh nghiệp và người dân chờ đợi là có thể kéo giảm được lãi suất tín dụng trong thời gian tới?

Cải cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc ảnh 2Các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu đã được ưu tiên vốn ở mức tối đa. Năm 2011 tín dụng cho nông nghiệp trung bình đạt 25% (có những thời vụ trên 30%). Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả to lớn, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn tiếp tục được đổi mới. Cả năm 2011, tín dụng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng kỷ lục là 58%. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu đạt được mức tăng trưởng rất ấn tượng, tăng trên 30% (cao hơn nhiều so với mức dự kiến 10-13%).
Cải cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc ảnh 3

- Lãi suất ngân hàng sẽ được điều hành phù hợp với lạm phát mục tiêu và diễn biến thực tế của lạm phát. Chính phủ đã xác định mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2012 ở mức dưới 10%.

Nếu thực hiện được tôi cho rằng lãi suất huy động trong năm 2012 cũng dao động ở mức 10%, tạo điều kiện để kéo giảm lãi suất cho vay. Bộ lãi suất điều hành của NHNN kết hợp linh hoạt với hoạt động cung ứng, điều hòa tiền của NHNN thông qua các kênh tái cấp vốn và thị trường mở, dự trữ bắt buộc, tín phiếu NHNN...

Điều này sẽ dẫn dắt lãi suất thị trường và đảm bảo vốn, thanh khoản ở mức hợp lý cho nền kinh tế. NHNN vừa đóng vai trò là người điều tiết thị trường, vừa can thiệp thị trường với vai trò là người can thiệp cuối cùng.

Bên cạnh đó, định hướng của NHNN là tương quan lãi suất giữa VNĐ và ngoại tệ sẽ được điều hành theo hướng có lợi cho VNĐ, khuyến khích người dân nắm, giữ tiền đồng thay vì USD và vàng.

Điều hòa dòng vốn

- Những bất cập trong năm 2011 là NHNN áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng “cào bằng” cho tất cả các tổ chức tín dụng. Vấn đề này sẽ được tháo gỡ thế nào trong năm 2012?

- Mục tiêu tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2012 sẽ tăng trưởng 15-17%; nhưng tỷ lệ này không “cào bằng” cho mọi tổ chức tín dụng, mà tùy vào năng lực và tình hình thực tế của từng tổ chức tín dụng, NHNN sẽ có quy định phù hợp.

Bên cạnh đó, vẫn duy trì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phi sản xuất ở mức thích hợp, tuy nhiên nội hàm sẽ được làm rõ cho phù hợp với tính chất hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như góp phần giải quyết một số khó khăn trước mắt của nền kinh tế và doanh nghiệp. Kiểm soát và hạn chế đến mức tối đa ngay từ đầu năm tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ.

Năm 2012, tín dụng sẽ tiếp tục được tập trung cho 4 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Đó là sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới; công nghiệp chế biến nông, hải sản; xây dựng hệ thống kho bãi để bảo quản và dự trữ nông, hải sản phục vụ xuất khẩu; thu mua nông, hải sản; đưa cơ khí và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu. Thứ ba, đưa tín dụng hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ. Thứ tư, tín dụng phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chủ yếu là đáp ứng đầy đủ vốn lưu động cho các doanh nghiệp có sản phẩm đang tiêu thụ được trên thị trường.

Một điểm mới là tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cũng sẽ mở ra một số đối tượng và lĩnh vực như: xây dựng nhà ở tái định cư, các dự án xây dựng nhà ở để bán hay cho thuê sẽ hoàn thành trong năm 2012, đặc biệt là phục vụ cho người có thu nhập trung bình và thấp, xây dựng nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên, cho vay mua nhà để ở; cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở của người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp; các dự án xây dựng nhà ở phục vụ cho công tác an sinh xã hội khác.

- Với các diễn biến vừa qua và dự báo sắp tới, thách thức lớn nhất đối với Thống đốc trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm nay là gì?

- Điều tôi lo ngại nhất là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất. Đây là vấn đề còn nhiều trăn trở, vì thời gian qua lãi suất có xuống nhưng lúc nào cũng ở thế "rình rập". Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu trong khi chúng ta đang cố gắng hạ lãi suất xuống.

Ngoài ra, trong năm 2012 việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng sẽ động chạm nhiều đến lợi ích nhóm. Sự thiếu thống nhất trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương cũng là một trở lực lớn.

Để vượt qua các thách thức này, không có cách nào khác là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, lợi ích nhóm phải tuân thủ quyền lợi của đại đa số người dân.

NHNN cũng như Chính phủ sẽ điều hành các chính sách một cách công khai, minh bạch rõ ràng, kết hợp với việc đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục nhưng cũng sẽ kiên quyết, dứt khoát trong hành động.

- Xin cảm ơn Thống đốc.

Các tin khác